Video Bài 2: 8 Ngọn Gió Đời – Tỳ Kheo: Thích Minh Tâm
Tải file đọc bài 8 Ngọn Gió Đời
Cùng mọi người tham gia đố vui về chủ đề 8 Ngọn Gió Đời
Bài 2: TÁM NGỌN GIÓ ĐỜI XOAY CHUYỂN VŨ TRỤ
Trong bài kinh (Lokavipatti Sutta) giảng về tám pháp thế gian (còn gọi là Bát Phong), Đức Phật giảng về sự khác biệt giữa một phàm nhân và một người đã giác ngộ, về cách ứng xử đối với những thuận cảnh và nghịch cảnh tất yếu của cuộc đời.
Tăng Chi Bộ Kinh (AN VIII – 6)
LUÂN HỒI
Đức Phật chỉ cho chúng ta biết chỉ có 8 ngọn gió đời mà thôi và chúng ta luân hồi ngay trong 8 ngọn gió đời được – mất, khen-chê, vinh – nhục, vui – buồn đó.
Trước hết chúng ta dành vài phút để tìm hiểu xem Đức Phật là ai để chúng ta có thể có niềm tin nơi Đức Phật một cách kiên cố hơn.
Theo những kinh sách, lịch sử chép lại, Đức Phật có tên là Siddhārtha Gautama, là một hoàng tử trong một bộ lạc tại Ấn Độ dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Thực ra, kinh sách nói không nói rõ ràng, nên chỉ có thể ước lượng Ngài ở vào khoảng thời gian từ 563 trước công nguyên cho đến 483 trước công nguyên. Ngài là con của gia tộc Gautama và là con trai của vua Suddhodana và hoàng hậu Maya của vương quốc Shakya. Chính xác ra nói là vương quốc thì chưa đúng lắm, vì trên bản đồ của Ấn độ vào thời đó có 16 quốc gia nhưng không có quốc gia này. Chúng ta suy ra đây chỉ là bộ lạc rất nhỏ nằm dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Siddhārtha Gautama đã từ bỏ gia đình vào tuổi 29 để trở thành một người khất sĩ đi tìm chân lý. Ngài lang thang 6 năm trong thung lũng, sống với nhiều nhân sĩ tu học nhiều phương pháp khác nhau, nhiều giáo lý khác nhau nhưng Ngài vẫn không tìm ra được sự thật của sanh tử luân hồi. Cuối cùng Ngài quyết định đi con đường riêng của mình: Ngài đã tìm ra con đường trung đạo dẫn tới thanh tịnh niết bàn. Đó là Bát Thánh Đạo.
Bát Thánh Đạo là con đường dẫn tới thanh tịnh niết bàn, an vui đời này. Sau 49 ngày ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề, Đức Thế Tôn đã chứng đắc và Ngài nói như sau:
Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà này
Khổ thay phải tái sanh
Ôi người làm nhà kia (ái)
Nay ta đã thấy người
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay* ngươi bị gãy (thân)
Kèo cột* ngươi bị tan ( phiền não)
Tâm ta đạt tịch diệt
Tham ái thành tiêu vong
Ở đây ngài chỉ rõ, nguồn gốc làm cho sanh tử luân hồi chính là tham ái, khi tham ái đã tiêu vong, tâm tịch diệt không còn sanh tử luân hồi nữa, tất cả nghiệp đều bị gãy đổ.
Mấu chốt ở đây chúng ta cần phải nhớ trong kinh pháp cú 154, Đức Phật nói khi tham ái bị tiêu diệt, tâm được tịch diệt. Tất cả nghiệp quả như bóng trăng dưới đáy nước, không còn tồn tại, trong tâm thức đã hoàn toàn tịch diệt.
Nơi đây Sư trình bày cho quý vị hình ảnh bàn chân Đức Phật lớn hơn bàn chân người thường và dấu ấn đó còn lưu lại để cho chúng ta có niềm tin nơi tam bảo. Một điều đặc biệt mà chúng ta cần ghi nhận là trong kinh sách có chép là ngài A Nan có tốc độ nói chuyện, hoằng pháp nhanh gấp 8 lần người thường và Đức Phật nói còn nhanh gấp 8 lần ngài A Nan. Có nghĩa là thưa chư vị Đức Phật khi nói chuyện ngài nói nhanh với tốc độ 64 lần nhanh hơn người thường theo như kinh sách ghi chép lại. Nhưng khi ngài giảng người ta vẫn nghe được vì người ta chăm chú, phát tâm cầu pháp tu tập để được chứng đắc giải thoát.
Đức Phật nói gì về sự đi tìm chân lý?
Trước hết ta phải có lòng khao khát giải thoát. Phải có lòng khao khát đi tìm chân lý, mới có thể tu tập giải thoát được. Con đường tu hành đầy thác ghềnh, đầy gai góc. Không có con đường nào chỉ có hoa thơm cỏ lạ đâu. Chúng ta phải luyện tâm ta sao cho “chân cứng, đá mềm” khi đi trên sỏi đá, xương rồng khắc khổ bởi những khó khăn chướng ngại lúc tu hành.
Có câu chuyện được ghi lại trong Chú giải kinh pháp cú- phẩm Đao trượng, chuyện Sadi Hạnh Phúc (Sukhakumara) nói về một vị sa di 7 tuổi, ngài SUKHA. Tuy mới có 7 tuổi nhưng khi ngài gia nhập tăng đoàn và ngài được Đức Phật bảo trợ và canh chừng. Ngài thiền định theo lời Đức Phật dạy có 8 ngày miên mật không ngừng nghỉ và cuối cùng ngài chứng A La Hán, tức là xả bỏ được giao động trong tâm. Tham ái không còn, tịch diệt chấm hết.
Tại sao ngài làm được thưa chư vị? Tại vì ngài có lòng khao khát giải thoát, ngoài điều đó ra không còn điều gì khác, ngài chỉ muốn giải thoát mà thôi cho nên ngài đã chứng đắc.
Đức Phật dạy, khi một người tu tập chánh pháp miên mật, Vua trời, chư thiên đến hộ trì. Chính đức Phật cũng đã dùng thần thông để giữ trưởng lão Sariputta (thầy tế độ của sadi Sukha) ở ngoài cửa để cho Sukha không bị kinh động khi hành Sa môn pháp, lúc ấy Sukha đã đạt được tam quả và đang thực hành quả vị cuối cùng .
Vị sa di này nhìn thấy người nông dân tưới những cánh đồng, vị sa di này đã nhìn thấy người thợ mộc làm bánh xe bò, vị sa di này đã nhìn thấy người thợ đã làm thẳng cái tên và luyện cái tâm của ngài tu tập hành trì pháp cũng bằng cách tương tự như vậy. Nhờ đó, vị ấy trở thành A La Hán.
Khi làm bánh xe bò, phải chú tâm nhìn nếu không bánh xe sẽ bị cong. Khi làm cái tên thì phải làm cho thật thẳng, thật chú tâm khi nhắm một mắt lại để ngắm mũi tên bằng con mắt kia thì mới biết được cái mũi tên đã thẳng chưa, cong chỗ nào để sửa. Cái tên không được phép cong, nếu cong một tí xíu sẽ bắn trật. Tu tập cũng thế. Ta phải đặt hết tâm huyết vào mục đích mà chúng ta muốn đạt được, việc hành trì của chúng ta mới có lợi lạc.
Người trị thủy dẫn nước
Kẻ làm tên nắn tên
Người thợ mộc uốn gỗ
Bậc trí tự điều tâm
(Kinh pháp cú 145)
Người bậc trí là gì?
Người bậc trí không phải là người học giỏi, không phải là người học nhiều, không phải là người có chức vụ nhiều bằng cấp, mà bậc trí ở đây là người thấy rất rõ sanh tử là hệ trọng, các pháp đều là vô thường, chẳng có gì đáng quan trọng, chẳng có gì đáng lưu tâm. Tất cả rồi sẽ phải chết, chết cũng không mang theo được gì, cái thân này sẽ thối mục, và hiểm họa là chúng ta không biết sẽ tái sanh thành súc sanh hay ngạ quỷ… Bậc trí chính là người thấy rõ cái hiểm họa của sự tái sanh cho nên mới luyện tập cái tâm của mình một cách cẩn trọng và chuyên cần giống như người nông dân dẫn nước từ cao xuống thấp, dẫn như thế nào để nước vào được cánh đồng. Người thợ làm cung tên cũng vậy, họ chăm chú sao cho tên thẳng, bắn tới đích. Bậc trí tự điều phục tâm mình cho nó ngay thẳng, như mũi tên trong tay người thợ làm vót tên.
Trong Kinh có câu chuyện Người tử tù và giọt dầu:
Có một anh chàng có án tử tù, nhà vua ra điều kiện nếu như anh làm được thì tha, nếu không được thì bị chặt đầu.
Nhà vua giao cho anh ta một chén dầu đầy lên tới mặt chén và phải đi một vòng quanh thành phố. Đi kế bên anh là một người đao phủ. Nhà vua dặn người đao phủ rằng nếu anh tử tù làm rớt 1 giọt dầu thì cứ việc chặt đầu vì tử tù thì đằng nào cũng chết. Nếu anh ta không làm rớt giọt dầu nào thì sẽ được tha chết. Trong khi đi một vòng thành phố thì nhà vua ra lệnh cho các cung nữ múa hát, anh tử tù ôm chén dầu đi, kế bên cạnh có người đao phủ cầm dao luôn ở tư thế muốn chặt đầu. Anh đi một vòng về và không có một giọt dầu nào rớt ra. Nhà vua hỏi bằng cách nào nhà ngươi làm giỏi vậy? Người tử tù đáp: muôn tâu bệ hạ. Con có giỏi giang gì đâu. Chẳng qua nếu con để rớt một giọt dầu thì đầu của con bị rụng. Vì thế làm sao con dám xao lãng, dám nhìn chổ nào khác.
Người tu cũng phải thấy sợ sanh tử luân hồi như anh chàng tử tù ôm chén dầu sợ rụng đầu thì mới tu nổi. Phải hiểu rằng, chỉ một chút sơ sẩy ta sẽ bị trôi lăn trong vô lượng kiếp làm chó, mèo, rắn, chuột, bò cạp, sâu róm… không biết khi nào mới được sanh ra làm người. Vậy nên phải hết sức cẩn trọng trong việc tu hành, trong lối sống của mình như anh chàng tử tù ôm chén dầu vậy.
Đức Phật dạy như con rùa mù ở dưới đáy biển 100 năm mới trồi đầu lên một lần, có một bọng cây bị gió biển đánh dạt từ đông sang tây, từ tây sang đông, trôi dập dềnh. Một lần ngoi đầu lên ngắn ngủi như thế, con rùa mù phải tìm cho được bọng cây để chui vào mà ở. Việc đó của con rùa mù cũng chưa khó bằng việc chúng ta được tái sanh làm người. Phải tu vô lượng kiếp mới được làm người.
Nhưng kiếp người lại chỉ bằng hơi thở, thở ra mà không thở vào là xong, và rồi đi về đâu? Rồi sẽ thành cái gì?
Theo phẩm hai trong Kinh Tăng chi, pháp đưa đến giải thoát trong hai cách: Thiền Định và Thiền Tuệ. Nếu định phát triển, tâm cũng phát triển và tham ái không còn, đưa đến kết quả tâm giải thoát. Nếu tuệ quán phát triển, trí tuệ phát triển và vô minh tan biến đưa đến kết quả tâm giải thoát.
Đừng bỏ lỡ cơ hội khi có thể hành thiền. Đừng nghĩ rằng ta còn trẻ, ta còn vui chơi tại vì trẻ cũng chết. Trong nghĩa địa có mồ của người lớn tuổi, cũng có của trẻ 2 tuổi, 1 tháng… Đức Phật dạy, đời người dài bằng hơi thở. Chỉ bằng hơi thở thôi, thở ra mà không thở vào là xong một kiếp, rồi sau đó chúng ta luân chuyển như thế nào là do công phu tu tập của chúng ta. Hãy cố gắng thiền vì thiền dẫn đến trí tuệ.
Đức Phật cũng dạy rất rõ: nếu chúng ta tu tập nhưng chúng ta không biết đường thì sẽ dẫn tới sai lầm. Điều này ví như là chúng ta nắm một nắm cỏ rất là sắc bén ở trong tay mà nếu không biết cầm thì nó sẽ cắt đứt tay chảy máu.
Người hành giả hành trì sai sẽ bị thoái hóa và mất thời gian, tổn phước rơi vào địa ngục.
Ví dụ người hối hận cho việc không phải hối hận cũng như người hối hận cho việc phải hối hận cả hai đều trên đường tà giáo. Việc đáng hối hận thì ta không hối hận, việc không đáng hối hận thì ta lại hối hận. Hay người sợ hãi cho việc không đáng sợ cũng như người không biết sợ hãi cho việc đáng sợ hãi. Tất cả những điều đó đều là tà giáo.
Việc đáng sợ là gì? Chẳng hạn, chúng ta đã học và đều biết nếu không tu hành đúng đắn thì một tỷ kiếp nữa chúng ta sẽ là chó, là mèo là rắn là chuột. Đấy là việc đáng sợ hãi.
Việc không đáng sợ là gì? Là sợ mất nhà, mất của cải tiền bạc, mất vợ, mất chồng, mất con… Đó là việc không đáng sợ vì chúng vốn không phải là của mình. Nếu là của mình sao khi chết những thứ ấy mình không mang theo được?
Có câu chuyện ông trưởng giả có 4 người vợ. Trước khi chết ông hỏi người vợ cả rằng cả đời anh đã lo lắng cho em vậy, khi anh chết em có theo anh không? Người vợ cả trả lời rằng tuy anh đã một đời lo lắng cho em. Nhưng khi anh chết, em sẽ đặt anh trong hòm chứ em không theo. Ông hỏi người vợ thứ nhì: cả đời anh đã phụng dưỡng để em nổi tiếng vậy em có theo anh không? Cô trả lời: không không, em chỉ đưa tiễn anh ra cửa thôi. Ông hỏi người vợ thứ 3 rằng, bao lâu nay đầu ấp tay gối ôm nhau cả đời, khi anh chết em có theo anh không? Có chứ. Em sẽ theo anh ra đến nghĩa địa, khi hạ huyệt rồi thì em đi về. Cuối cùng ông quay sang người vợ thứ tư: anh rất tiếc là đã không bao giờ để ý đến em, khiến em thiệt thòi. Rất xin lỗi em. Bất ngờ cô vợ thứ tư nói: Anh yên tâm. Em sẽ theo anh đến chân trời góc biển, anh đi đâu em đi theo đó.
Đức Phật dạy: người vợ thứ nhất tượng trưng cho thân ta. Khi còn sống, ai cũng quý trọng, nuôi dưỡng chiều chuộng cái thân của mình, cho nó ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, nhưng đến khi chết thì đành bỏ lại, thành tro, thành đất. Có khi vì nó mà ta tạo tội để bị đọa đày, khổ đau. Người vợ thứ hai chính là tiền bạc, của cải mà một đời ta khổ tâm tìm cầu, tích lũy. Giàu đến đâu nhưng khi nhắm mắt xuôi tay thì đành để lại cho người khác. Người vợ thứ ba chính là quyến thuộc, bà con. Khi ta qua đời thì họ cũng bùi ngùi, xúc động, đau lòng. Nhưng sau khi tiễn đưa ta đến nơi an nghỉ cuối cùng, thì họ phải cũng phải sống tiếp, không thể tiếc thương ta mãi. Bà thứ tư chính là tâm của ta, nói chính xác hơn đó là cái gandhabba của ta. Đó là những gì đã ghi vào trong gandhabba của ta bởi việc hành nghiệp thiện hoặc nghiệp ác của một đời hay nhiều đời. Hành nghiệp là việc làm của ta nhưng hầu như chúng ta không bao giờ để ý. Dù ta không bao giờ để ý đến chúng nhưng chúng lại theo ta như bóng theo hình, không bao giờ mất. Hễ tạo nhân thì sẽ có quả. Làm việc thiện lành thì có quả báo lành. Làm ác phải chịu quả xấu dữ. Không sai một mảy may.
Cái nghiệp của ta đi theo ta tới bất cứ chân trời góc biển. Nếu ta không biết sợ hãi việc đó thì ta sẽ sai lầm và sẽ tái sinh vào 3 cõi khổ: súc sinh, ngã quỷ, địa ngục.
Đức Phật dạy tu rất dễ: luôn tránh các điều ác, luôn làm các việc lành, luôn giữ tâm thanh tịnh. Chỉ có 3 điều đó thôi thưa chư vị, có khó không quý vị?
Người trí là người như vậy: luôn tránh các điều ác, luôn làm các việc lành, luôn giữ tâm thanh tịnh.
Tám ngọn gió đời:
Đức Phật dạy 8 ngọn gió đời, chính là được, mất, vinh, nhục, khen, chê, lạc, khổ. Chúng ta sống luôn luân chuyển trong 8 ngọn gió đời ấy và chúng ta sanh tử luân hồi ngay trong 8 ngọn gió đời ấy. Có lúc chúng ta là người, có lúc chúng ta là thú, có lúc chúng ta là chư thiên. Bị chửi mà không buồn đó là chư thiên, ăn không ngon mà thấy khổ đó là súc sanh. Có khi trong một khoảnh khắc, chúng ta từ chư thiên rớt xuống súc sanh liền.
Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi 86, 4 cặp trạng thái tâm này tạo ra năng lượng tiếp tục tái sanh. Hễ có vui thì có buồn, có được thì có mất, có khen thì có chê, không bao giờ chúng tồn tại đơn lẻ. Hễ có khen tặng thì có phỉ báng… Tất cả những trạng thái tâm đó luôn thay đổi, hoán đổi cho nhau. Người phàm phu không chấp nhận được sự biến đổi này. Họ thọ lạc với ý nghĩ rằng ta có cái nhà, ta có cái xe, ta có chức vụ, ta có học thức… những cái đó là của ta và họ cảm thấy khổ khi những thứ đó bị mất. Khi họ nhận được một điều mà họ thích thú (lạc), họ sẽ chống đối khi nó mất đi, dẫn đến trạng thái khổ. Khi họ kiếm được một khoản tiền, họ vui thích, lỡ đánh rơi tiền thì đau khổ. Có được một thành công trong đời, họ nhận được lời khen, khi họ thất bại, họ bị chê. Khi họ thành công danh vọng, họ hân hoan, một ngày xuống thấp trong nấc thang xã hội, họ ai oán …Tất cả đều dẫn họ rơi từ trạng thái lạc sang khổ, khổ sang lạc…
Khi ta ngồi thiền 30 phút, ta sẽ thấy thích thú, thấy trạng thái êm dịu dễ chịu nơi thân tâm. Nhưng nếu ngồi thiền đến 4h đồng hồ thì gương mặt ta nhăn còn hơn khỉ nữa. Vậy đó. Ta luôn luôn có tâm lý chống lại sự đau khổ, ưa thích sự khoái lạc. Và chính vì vậy, ta luôn thấy ta bị quăng quật giữa tám ngọn gió đời.
Có câu chuyện nổi tiếng về Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn:
Tô Đông Pha vốn là quan Bộ Lễ (tương tự Bộ trưởng Giáo dục thời nay) một hôm đi đến thiền viện của ngài Phật Ấn. Thiền viện ở trên một hòn đảo.
Tô Đông Pha chèo thuyền qua đảo nhưng không gặp ngài Phật Ấn, cho nên ngài ngồi xuống tọa thiền; hành thiền xong, lúc xả thiền Ngài Tô Đông Pha nhìn thấy tượng Phật uy nghiêm bèn làm mấy câu thơ:
Khế thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đạo thiên
Bát phong suy bất động
Đan tỏa tử kim liên
Có ý nghĩa là
Đảnh lễ bậc giác ngộ
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng
Ngài Tô Đông Pha bắt người hầu ở lại để đưa bài thơ đến tận tay ngài Phật Ấn khi ngài ấy về và dặn dò nếu ngài Phật Ấn có nói điều gì thì phải cầm miếng giấy đó về đưa lại ngay cho ngài. Vì Tô Đông Pha rất tâm đắc bài thơ này. Bài thơ không chỉ nói lên hình ảnh đức Phật ngồi mà còn là ngầm ý của tác giả tự đề cao mình ngồi thiền giống như Phật, 8 ngọn gió thổi chẳng động; ai mắng chửi, khen chê cũng không động mà ngồi vững trên tòa sen vàng (khế thủ thiên trung thiên).
Ngài thiền sư Phật Ấn xem mấy câu thơ xong lấy bút phê mấy chữ “phóng thí” có nghĩa là đánh rắm, viết vào trong miếng giấy và đưa người hầu mang về.
Tô Đông Pha nhận được, đọc xong, lập tức kêu người hầu chèo thuyền vội vã sang Thiền viện. Từ xa đã thấy Ngài Phật Ấn đứng ngay ngoài cổng chờ, tay cầm cái quạt phe phẩy. Tô Đông Pha hỏi ngài Phật Ấn “ tôi làm thơ hay như thế mà Ngài nỡ lòng nào hạ bút ghi mấy chữ đánh rắm. Ý nghĩa làm sao?”. Ngài Phật Ấn mỉm cười: 8 ngọn gió thổi thì không lay chuyển. Nhưng chỉ có một tiếng đánh rắm thôi mà đã lập tức vượt sông liền. Ngài Tô Đông Pha nghe xong tự thẹn, bèn cáo từ đi về, biết mình thua rồi, mình chỉ biết nói suông thôi chứ không hành trì nên mới phản ứng (lời chê) như vậy. Ngài Phật Ấn rất từ bi, ngài biết người bạn này chỉ có sở học chứ không có sở hành nên Ngài bằng mọi cách đốn cái ngã, để giúp bạn mình mở mắt.
Có nhiều huyền thoại về mối quan hệ giữa ngài Phật Ấn và ngài Tô Đông Pha. Theo sách xưa có ghi chép lại, tiền kiếp hai vị đó cùng là tu sĩ. Một hôm hai vị cùng ngồi thiền. Một vị đột nhiên nghĩ tới sắc dục và ông tu sĩ bạn kia vì đã chứng đắc vào sơ thiền, nhị thiền nên phát hiện được. Đợi lúc xả thiền xong vị tu sĩ đắc thiền kia mới nói: hồi nãy hiền huynh hành thiền sao lại nghĩ nhớ tới đàn bà. Vị tu sĩ này mắc cỡ quá lập tức nhập thiền tự diệt luôn. Vị tu sĩ bạn thấy vậy biết mình phạm lỗi, tại mình nói ra lỗi thầm kín của bạn tu khiến cho người ấy tự tử, nên mới bàn giao công việc cho các đệ tử để theo độ người bạn ấy .
Vị tu sĩ tự tử nói trên, vốn nhiều đời đã rất giỏi văn thơ, lại nhờ tu tập có trí tuệ nên đời này được làm quan bộ lễ tức ngài Tô Đông Pha và ngài Phật Ấn chính là vị thiền sư bạn theo độ cho ông. Vì nhân duyên từ đời trước nên hai người gặp nhau và nhờ đó ngài Phật Ấn giúp cho ngài Tô Đông Pha ngộ ra nhiều điều trên con đường tu tập.
Việc tu tập nếu sai pháp thì giống như cầm nắm cỏ sắc bén vào trong tay. Vuốt một cái là chảy máu, đứt tay. Cho nên hãy cẩn thận, cẩn thận. 8 ngọn gió đời thì như đường cong đồ thị sin, cos lên lên xuống xuống. Càng dính mắc nhiều thì tần số dao động càng cao và càng cao thì càng phiền não. Chính những cái phiền não này đưa đến lậu hoặc, để dẫn tới sanh tử ưu bi.
Trong bài kinh Tăng Chi, Đức Phật nói: này các chư tỳ kheo, 8 duyên trần này quay vòng tạo nên thế giới và thế giới quay vòng theo 8 duyên trần này. Ngoài 8 duyên trần này chưa thấy có cái thứ 9.
Hiểu thế nào về điều này? Thế giới đây là thức của chúng sanh. Đức Phật nói cái thức chính là thế giới. Mỗi chúng sinh đều có thế giới riêng, không ai giống ai cả. Thế giới của mỗi chúng sinh được xây dựng bởi cái thức của chính nó.
Tám ngọn gió đời này nó xoay thế giới của chúng ta, tức là xoay cái thức của chúng ta quay vòng vòng và chúng ta cứ thế sanh tử luân hồi. Đây là tấm hình để cho quý vị thấy người ta tranh hơn tranh thua nhau, đâm chém lẫn nhau, tranh giành các thứ cũng chỉ vì 8 ngọn gió đời không hơn. 8 ngọn gió đời là vô thường nhưng người ta đắm chìm trong chúng. Tại sao vậy?
Trong bài kinh Tăng chi, Đức Thế Tôn dạy: này các chư tỳ khưu, 8 biểu hiện của thế giới điên đảo luôn luôn theo sát chúng sanh. Và chúng sanh đeo đuổi theo các duyên trần điên đảo cũng từ nơi 8 biểu hiện này mà ra.
Như cái bông gòn gió thổi bay tứ tán hết, rụng lông rụng lá vì ngọn gió của tự nhiên, có nhiều người đang tốt và đụng tới 8 ngọn gió đời, trở thành xấu mất đi phẩm cách. Trả thù, hận thù, thương ghét để rồi tạo nên oan trái.
Chúng sanh là tạp chủng duyên sanh luôn luôn đeo đuổi 8 ngọn gió đời mà bản chất là 8 duyên trần này để trở thành điên đảo. Chúng sanh luôn đắm chìm trong chúng. Mấy người đi đánh casino khi mất thì muốn gỡ cuối cùng lại mất thêm. Có nhiều người khi vợ hoặc chồng ngoại tình thì đi đánh ghen, đánh ghen rồi mất luôn tư cách của mình và mất luôn người bạn đời của mình luôn.
Chính 8 ngọn gió đời đã làm cho cảnh giới trong tâm thức của chúng sinh điên đảo. Mỗi chúng sanh đều có cảnh giới ưa thích, ghét, thương, buồn, vui… của chính nó. Mỗi chúng sanh là một cảnh giới, là sự tập hợp của các duyên. Quý vị tự nghĩ xem có cái gì của quý vị không?
Cái thân này hồi mới đẻ có 3kg nay 60kg. Đứa bé 3kg đi đâu? Hiện nay khoa học đã chứng minh 60kg là 600 tỷ tế bào, 600 tỷ sinh linh đang cộng sanh sống trong cái thân này. Chúng đến rồi đi, sinh ra rồi chết trong từng sát na, cũ đi, thay mới. Thay đổi như cư dân của một quốc gia. Chúng chẳng phải của ta. Chẳng có gì là của ta cả. Mỗi chúng sanh là một cảnh giới được tạo nên bởi những xung động của các giác quan qua nhìn, nghe, ngửi, nếm, được, mất, thương ghét, buồn vui, khó chịu, dễ chịu… Và tất nhiên là các cảnh giới này hàng ngày đều liên tục thay đổi.
Mỗi loài lại có cảnh giới riêng. Ngạ quỷ, súc sanh có cảnh giới đầy đau khổ trên trái đẩt, chư thiên có cảnh giới đầy hỷ lạc ở tầng cao hơn. Loài người có cảnh giới đầy biến động: lúc thì thấy mình hạnh phúc như chư thiên, lúc thì thấy mình sân hận như Atula, lúc thấy mình trì độn như súc sanh, lúc lại thấy mình lạnh lẽo cô đơn như ngạ quỷ, lúc lại thấy mình khổ đau như ở cõi địa ngục… Tóm lại, vì duyên theo 8 ngọn gió đời, mà cảnh giới của con người trong một đời, thậm chí trong một ngày có thể là cả 6 cõi: Thiên, Atula, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.
Khi tâm thức của chúng ta hạ tiện thì nó cùng tần số với sóng từ trường của súc sanh, nên ta có xu hướng ưa thích súc sanh và khi chết ta sẽ thành súc sanh. Không ai bắt ta cả. Tự chúng ta chọn. Cách sống hạ cấp, hèn hạ thì tâm địa thấp. Khi ta chết, gandhabba của ta sẽ bay là là trên mặt đất cùng với loài bốn chân hay là loài bò sát. Nếu tâm địa ta cao thượng hơn, gandhabba của ta sẽ cùng tần số với giống loài hai chân như khỉ đột hoặc là người. Nếu tâm địa cao thượng hơn nữa, ta sẽ có gandhabba có tần số cùng với là tâm địa của chư thiên. Khi chết ta có thể tái sinh vào cõi Trời.
Cảnh giới của chúng ta là thế giới được tạo nên trong tâm thức của chúng ta, do cách sống của chúng ta, việc chọn cách sống và tiến trình cải tiến gandhabba của ta. Trước khi chúng ta tu, chúng ta ham ăn, ham ngủ, hành xử như súc sanh. Bây giờ chúng ta tu chúng ta bắt đầu thấy nhàm chán cái thân. Ăn cũng được không ăn cũng được. Ngủ trên chăn ấm nệm êm hay ngủ dưới gốc cây chúng ta đều có sự an vui không miễn cưỡng.
Phật nói “này các chư tỳ kheo hãy kiếm gốc cây”. Vậy là ta ra gốc cây, rồi khó chịu vì phải cố gắng chịu đựng cái buồn tẻ, chịu đựng sâu bò kiến cắn. Nếu ta nhìn thấy gốc cây là sự giải thoát thì ta sẽ nằm gốc cây ngủ mà không cần mái nhà, không cần đem theo mùng mền. Ta huân tập cho cái tâm của mình không còn dính mắc nữa. Như vậy tâm ta được giải thoát.
Tu tập tâm giải thoát lúc sống thì khi chết thì sẽ được giải thoát. Đức Phật đã dạy thường cận y duyên. Tâm người lúc sống hành xử như thế nào thì khi chết sẽ đi về cảnh giới đó. Đây là tiến trình cải tiến của thân và tâm.
Với mỗi hoàn cảnh mà cuộc sống đem đến, mỗi chúng ta phải trải nghiệm và tự xử lý: buồn, vui, thương, ghét hay có thể vượt qua mà không còn dính mắc. Nếu ta không biết xử lý thì ta sẽ trở thành súc sanh, nếu ta biết xử lý tốt ta thành người. Nếu ta buông luôn không cần xử lý nữa, không cần chấp nữa thì ta trở thành chư thiên. Nếu ta buông được đến mức không còn phiền não nữa thì ta trở thành Phật. Phật chính là ta, ta chính là Phật. Phật giới hay là pháp giới đều ở trong ta.
Vậy ở đây điều chúng ta cần học là cách đối ứng thích hợp khi 8 ngọn gió đời thổi đến. Thưa chư vị biết rằng được mất, hơn thua, phỉ bang, khen tặng là 8 ngọn gió đời. Nhưng 8 ngọn gió đời này có phải nằm ở ngoài đời không? Nó không phải nằm ở bên ngoài, nó nằm ngay trong tâm ta. Không phải ta vui vì được người ta khen, không phải ta buồn vì bị người ta chê. Vì tâm chúng ta vô minh, chúng ta không biết lời khen chê đó chỉ là đồ giả. Thứ nữa là vì ta tham ái, tham cái ngã nên ai đụng tới cái ngã của ta thì ta khởi tâm sung sướng hoặc buồn phiền.
Đức Phật ngồi ở giữa chợ, có người đi tới nhổ nước bọt vào mặt Ngài, Ngài hỏi còn gì nữa không? Tâm Phật như vậy đấy. Không dính mắc một cái gì hết. Vậy nên các duyên xảy ra đối với chúng ta, ta đều biết chúng là vô thường, luôn luôn thay đổi thì ta thong dong tự tại. Khen không vui, chê cũng không buồn.
Khi người ta khen, người ta chê mà khởi tâm vui, buồn thì chúng ta đã bị vướng mắc trên con đường tu học, trở ngại rất lớn. Ví như ông tu dở lắm, hay pháp của Phật dở lắm ông tu hoài làm chi. Phật nói hãy quăng nó đi, pháp như bè qua sông. Đức Phật đã nói rằng đừng vì người ta khen Như lai mà khởi tâm hoan hỉ, đừng vì người ta chê Như lai mà khởi tâm phiền não, 8 ngọn gió đời chớ để nó lay động. Chấp ngã, chấp pháp và chấp kiến, 3 thứ ấy đều đưa tới sự khổ đau.
Người có trí luôn luôn tỉnh giác với các sự thay đổi, không vui thích với các pháp hợp ý, cũng không chống đối với các pháp bất hợp ý. Như thế sự thọ nhận, tham ái nơi tâm chúng ta sẽ đoạn diệt, ta sẽ không còn phiền não. 8 ngọn gió đời không làm cho ta ô nhiễm nữa thì ta đã vượt được qua bờ bên kia, ta đã vượt qua dòng sanh tử.
Năng lực chọn lựa phản ứng với 8 ngọn gió đời tùy thuộc vào tuệ giác kiểm soát cảm xúc của chúng ta. Nếu ta có tuệ giác ta biết rằng lời khen lời chê là vô thường. Ta buồn phiền vì nó là ta đã tự lấy sắc ngoại biến thành sắc nội, rồi theo dòng tâm thức của 5 uẩn mà khổ đau, tự ta xây dựng địa ngục cho chính mình.
Đức Phật dạy chúng ta một phương cách để giải quyết vấn đề về 8 ngọn gió đời. Đó là hiểu rõ tác nhân (nguyên nhân) của 8 ngọn gió và tạo khoảng cách về không gian và thời gian giữa tác nhân và sự phản ứng của ta, để chúng ta có khả năng buông xả, không phản ứng, không thọ hay là ngược lại.
Thế nên nếu một người biết tu tập thì có khả năng chọn lựa cách phản ứng đúng đắn với 8 ngọn gió đời. Xu hướng chọn lựa ấy dẫn đến một quá trình huân tu, cải tiến thăng hoa tâm thức hay là cái gandhabba của chính ta. Giải thoát hay không được giải thoát là ở đây.
Đức Phật dạy cho ngài La hầu La như thế này: con hãy huân tu cái tâm như đất, đất chịu các thứ đáng ưa cũng như không đáng ưa. Mưa gió thuận hòa hay bão lũ, đất đều không lay chuyển. Người ta nhổ nước miếng lên đất, tiểu trên đất, đất cũng không phản ứng gì. Nhờ tu tập theo lời dạy đó, ngài La hầu La đã chứng đắc tánh xả. Tâm xả của ngài phát triển, không còn dính mắc cái gì hết. Giống như ống cống, nước đi qua ống cống cuốn trôi mọi rác rưới, sạch sẽ, không còn lưu giữ gì.
Đức Phật khuyên chư tăng hãy cố gắng sống trong thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên để cho cái tâm của mình được thoáng đạt như thiên nhiên, chứ không phải sống như thiên nhiên rồi tạo ra cảnh giới, rồi sinh tâm ưa thích. Con cọp, con beo, con gấu cũng thích sống trong rừng đấy thôi, nếu mình ưa thích thiên nhiên theo cách dính mắc, thì mình cũng như chúng nó. Cần nhận rõ điều này,
Thiên nhiên đốivới người tu là biểu hiện của cái tánh xả. Giống như cái cây, ta lấy cái búa chặt nó, nó không kêu, không phản ứng. Giống như đất, khi ta lấy cuốc cuốc lên đất, đất cũng không kêu, không phản ứng.
Như vậy kết cục lại bạn là gì? Bạn có khả năng quyết định nơi bạn sẽ đến hay không? Bạn muốn đến địa ngục hay muốn đến niết bàn, chính bạn là người quyết định, thông qua việc bạn phản đối, im lặng, không thọ nhận, xả hay dính mắc trước 8 ngọn gió đời. Việc huân tập một thói quen phản ứng trước 8 ngọn gió đời sẽ tạo nên nghiệp và nó quyết định điểm cuối cùng của chúng ta là sanh tử luân hồi hay là giải thoát. Không phải Phật, không phải Thượng đế. Chính là chúng ta tự lựa chọn.
A La Hán là những vị đã thanh tịnh các lậu hoặc nhưng vẫn còn đối diện với 8 ngọn gió đời. Các ngài cũng bị người ta mắng chửi, khen chê, nhưng các ngài đã huân tập được tâm xả, không phản ứng trước các hoàn cảnh.
Trong Kinh Hạnh Phúc, Đức Thế Tôn dạy: Người mà tâm không giao động khi tiếp xúc với thế gian, không sầu muộn, vô nhiễm và an toàn là phúc lành tối thượng. Alahan là một vị như thế.
Dhammapada Verse 200 Mara Vatthu –
Trích kệ Kinh Pháp cú 200 – Ma vương quấy phá Phật
Thủa ấy, tại một ngôi làng của người Bà la môn được gọi là Pancasala (ngôi làng có năm hội trường, sảnh đường). Vào một buổi sáng sớm, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên giúp cho một số đông phụ-nữ ở làng này chứng được đạo-quả Tu đà hoàn, nên Ngài liền trì bình vào làng Pancasila để khất thực. Vì đã bị ma vương cám dỗ nên đám đông phụ nữ ấy ra bờ sông tắm gội, trang sức diễm lệ để dự hội, chẳng lo việc cúng dường bố thí cho chư Tăng. Đức Phật quán-thấy, biết rõ nên Ngài quay về Tịnh xá. Lúc này Ma vương xuất hiện dùng lời hỏi mĩa mai, Ngài đáp: “Này Ma-vương, chính bàn tay tội-lỗi của ông đã lôi kéo các vị phụ-nữ trong làng xao-lãng công-đức cúng-dường chư Tăng’’. Ma vương nghe vậy hoảng hốt, lập tức xin mời ngài quay lại đi khất thực, kỳ này dân chúng sẽ cúng dường.
Vừa lúc ấy, các bà đi dự hội ra về, trông thấy Đức Phật, họ liền qùi xuống với khoảng cách thích hợp, cung kính đảnh-lễ Phật.
Ma-vương bảo: “Hôm nay, Đức Phật chẳng được gì để ăn, nên đang đói bụng ngài có buồn không? Đức Phật đến làng này với mục đích độ giúp cho dân làng này vượt thoát ra khỏi khổ đau, thoát ra khỏi sanh tử luân hồi mà thôi nên Ngài bảo : “Nầy Ma-vương, mặc dầu chư Tăng chẳng được cúng-dường sáng nay, nhưng chúng ta sống chẳng phải chỉ nhờ vào thực-phẩm mà thôi. Cũng như chư Thiên trên cõi Trời Quang-âm (Abhassara), chúng ta sống nhờ vào phỉ và lạc trong Chánh pháp »
Abhassara là cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng rực rỡ chói lòa, thức ăn của họ chính là sự hỷ lạc, không còn lệ thuộc vào ngoại cảnh.
Rồi Đức Phật thuyết pháp và tuyên những lời sau đây, nhờ đó mà một số đông các vị phụ-nữ 500 người của làng Pancasa chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:
Susukham vata jivama
yesam no natthi kincanam 1
pitbhakkha bhavissama
deva abhassara 2 yatha.
Hạnh Phúc thay khi ta sống không còn lậu hoặc phiền não,
với khinh an ta tự tại sống như các thiên vương
nơi cảnh giới Phạm Chúng Thiên (Brahma Parisajja),
Cảnh giới của các vị Trời tùy tùng các vị Phạm Thiên…
Bài kệ nêu lên sự cao quý của hạnh dứt bỏ những chướng ngại trong tâm, như ở trong kinh trường bộ, tức là không còn phiền não không còn lậu hoặc.
Phiền não lậu hoặc do đâu mà ra, tại vì ta chấp 8 ngọn gió đời.
8 ngọn gió đời luôn luôn thay đổi, nó là vô thường. Không phải tự nó vô thường, là do tâm ta vô thường. Lúc người khen thì ta thích, lúc người chê, ta buồn. Nếu ta quán được tâm trên tâm, ta thấy tâm vô thường thì ngay chổ đó ta chứng ngộ giải thoát.
Ở đây Sư đưa ra biểu đồ cho quý vị thấy khi nào ta ở trong vùng an toàn và vùng không an toàn. Vùng không an toàn 8 ngọn gió đời sóng động cao, nhưng vùng an toàn sóng nhè nhẹ thôi.
Là người phàm phu chúng ta đều phải đối diện đương đầu với 8 ngọn gió đời nhưng cách chúng ta phản ứng rất là quan trọng. Nếu chúng ta chấp thủ thì chúng ta kẹt.
Trong Kinh Tập Phẩm Qua bờ bên kia SN 5.15 hoặc (Kinh Tiểu Bộ I (XVI) Câu hỏi của thanh niên Mogharàja (Sn 216) kệ 1116-1119) nói về cuộc đối thoại giữa Đức Phật và người Bà La Môn Mogharaja –manava- puccha.
Vị Bà La Môn Mogharàja đã hỏi Đức Phật: một người nên nhận thức về thế giới như thế nào để không bị thần chết bắt gặp?
- Vị thầy được thù diệu,
Con đến với câu hỏi,
Cần nhìn đời thế nào,
Ðể thần chết không thấy.
Sau hai lần thưa hỏi, đến lần thứ ba Đức Phật mới trả lời: Này Mogharaja, hãy quan sát thế giới như trống rỗng, luôn cảnh giác từ bỏ những sự chấp thủ về ngã và vì như thế vượt qua sự chết.
- Này Mô-gha-ra-ja,
Hãy nhìn đời trống không,
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Nhô lên ngã tùy kiến,
Như vậy vượt tử vong,
Hãy nhìn đời như vậy,
Thần chết không thấy được.
Đó là cách mà ta nhận thức đúng về thế giới, cách xây dựng cảnh giới để không bị thần chết bắt gặp. Nếu chúng ta muốn bất tử chúng ta coi thế giới như trống không.
Với người trí, họ thấy đời vô thường như những chiếc lá, gió thổi một cái là bay tơi tả hết, không còn hình dáng của chiếc lá nữa. Mặc dù vậy, họ sống như bông sen: bông sen vẫn đứng vững dù đài sen có bị rụng. Sen vẫn là sen.
Not even if it rained gold coins
would we have our fill of sensual pleasures.
Ngay cả khi trời mưa (tiền) vàng vị ấy cũng chẳng đam mê trong cảm giác vui mừng, chúng chỉ đem lại một chút thích thú.
‘Stressful,
they give little enjoyment’–
knowing this, the wise one
finds no delight
even in heavenly sensual pleasures.
He is
one who delights
in the ending of craving,
a disciple of the Rightly
Self-Awakened One.
These verses are a summary of a talk called the Ovada Patimokkha which the Buddha is said to have delivered to an assembly of 1,250 arahants in the first year after his Awakening.
Do biết rõ về vô thường như vậy, người trí không thích thú ngay cả trong cảm giác thích thú cao nhất. Vì vị ấy biết cái thích ấy là vô thường, nó rồi sẽ tàn. Vị ấy hoan hỉ trong sự chấm dứt tham ái. Khi không còn tham ái vị ấy mới thực sự khinh an hoan hỉ và vị ấy là đệ tử chân chính của Đức Giác Ngộ đã thức tỉnh trọn vẹn.
Đây là cuộc đối thoại do Đức Phật tuyên thuyết cho hội chúng 1250 vị A la Hán trong năm đầu tiên sau khi ngài chứng ngộ. Dhammapada a Translation (Ven Thanisaro, Bhikhu) XIV – Awaking =183
Thế thì thưa quý vị, 8 ngọn gió đời là gì?
8 ngọn gió đời là sắc ngoại nhưng chúng ta phản ứng với chúng, chúng ta thọ nhận, xúc thọ ái, cho nên 8 ngọn gió đời ở bên ngoài đã biến thành 8 ngọn gió đời của cảnh giới trong tâm ta.
Khi chúng ta phản ứng lập tức có sắc nội, dẫn tới thọ tưởng hành thức, tiếp tục xây dựng cảnh giới để rồi chúng ta trở thành súc sanh hay ngạ quỷ, chư thiên hay loài người.
Nếu nghe khen mà chúng ta vui chẳng khác gì súc sanh: con chó được kêu tên, được vỗ đầu nó cũng thích. Nếu nghe khen mà chúng ta bình thản thì chúng ta là con người, nếu chúng ta có thể xả luôn được, xem như không có thì chúng ta là bậc thánh.
Hãy tu tập sao cho tâm ta như đất, không dao động trước 8 ngọn gió đời thì chúng ta sẽ thành tựu. Vì khi đó tâm ta rỗng không, không còn duyên và sẽ không còn đau khổ.
“Ðây là đặc thù, này các Tỷ-Kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.
Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng,
Chỉ trích và tán thán,
An lạc và đau khổ,
Những pháp này vô thường,
Không thường hằng, biến diệt,
Biết đúng, giữ chánh niệm,
Bậc trí quán biến diệt.
Pháp khả ái, không động,
Không khả ái, không sân,
Các pháp thuận hay nghịch,
Ðược tiêu tan không còn.
Sau khi biết con đường,
Không trần cấu, không sầu,
Chơn chánh biết sanh hữu,
Ði đến bờ bên kia.”
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tăng Chi Bộ Kinh – Tập 3
Chương VIII -Phẩm I – Bài 6 – tr.498
Cùng mọi người tham gia đố vui về chủ đề 8 Ngọn Gió Đời