Có thể bạn quan tâm bài Pháp: Quán thọ sanh diệt
Link: https://www.youtube.com/watch?v=zd5azeUKR7E
QUÁN THỌ (NỘI – NGOẠI)
Hôm nay chúng ta tiếp học về Quán Thọ, hai yếu tố ngoại và nội.
Xúc có sáu căn, sáu trần.
Căn là nội hay ngoại? Mắt, tai, mũi, lưỡi là nội hay ngoại? Người chết mắt vẫn còn sờ sờ, tại sao không thấy, không biết cái gì xung quanh? Đừng suy luận, nhận biết ngay lập tức tại sao người chết mắt còn sờ sờ mà lại không thấy, tai còn sờ sờ mà lại không nghe.
Vậy thì cái gì là nội cái gì là ngoại?
Con mắt là ngoại, vì thấy nó trên mặt tưởng là của mình, nó không phải của mình. Sắc không phải của ta, thọ không phải của ta, tưởng không phải của ta. Nó là ngoài. Nếu nó là của ta, ta bảo nó đừng sống, đừng nghe, đừng vui, đừng buồn, nó phải nghe lời ta. Nó không phải của ta, cho nên khi chết, mắt còn sờ sờ mà không thấy, nó không phải của ta mà. Cái của ta là bộ nhớ trong não, não cũng không phải của ta.
Nó không phải nội, nó là ngoại hết. Ruột gan phèo phổi có phải của ta? Là nội hay ngoại? (Miệng, bao tử, các thứ ruột, rồi đưa tới hậu môn), bao tử là nội hay ngoại? (rõ ràng nếu nhìn thấy bên trong, thức ăn đưa vào miệng, vào bao tử, vào ruột… thì là ngoại chứ không phải nội).
Từ lâu nay chúng ta hiểu lầm, chúng ta vô minh, chúng ta không thấy.
Cái bên trong, các tế bào mới là nội, trong máu mới là nội, các chất dinh dưỡng đi qua màng bao tử nuôi các tế bào, trong này mới là nội. Còn bao tử, ruột, … là ngoại hết, kể cả phổi… đều là ngoại hết, vì nó thông qua bên ngoài, nó mượn cái màng, giống như da, mượn để giao tiếp bên ngoài.
Phải hiểu rất rõ để hiểu xúc là cái gì. Nếu không hiểu được sáu căn là gì, sáu trần là gì thì không bao giờ hiểu xúc. Tưởng mắt nhìn là xúc, tai nghe là xúc? Không phải!
Xúc có xúc nội, xúc ngoại.
Xúc ngoại: ai vừa chửi mình một câu, tai va chạm, đưa lên não, não nhận biết đó là tiếng chửi. Xúc đó, nhận biết liền, rồi đưa tới cảm thọ, thọ khổ, bị chửi là khổ. Có ai bị chửi mà sướng không? Bị chửi là khổ, cho nên đây là xúc ngoại. Khi nghe có âm thanh hay ánh sáng, hay bất cứ thứ gì, chỉ có âm thanh, ánh sáng là chính, khi nó xúc chạm tới thì lập tức đưa lên não phân tích cái đó là chửi, thì lập tức nó thọ khổ, khen lập tức nó thọ lạc. Như vậy cái này là xúc ngoại, chạm với cái bên ngoài.
Xúc nội là gì? Ngồi thiền, nhắm mắt lại, thấy bố mình chết mười năm trước rồi, tự nhiên thấy hình ảnh hiện lên, mình buồn rớt nước mắt. Ông đâu còn chết bây giờ nữa. Mắt không còn thấy ông chết nữa, nhưng mà hình ảnh ở trong ký ức nó lôi lên, rồi thấy, rồi rung động, rồi phản ứng trở lại bằng cách rớt nước mắt. Như vậy đây là xúc nội hay xúc ngoại?
Xúc ngoại tác động của nó rất nhanh, người ta chửi rồi người ta đi rồi, nhưng mà tiếng chửi được phân tích thọ lạc, thọ khổ -> đưa vào trong -> phân nội, ngoại -> phân tích, đối ý -> nhận biết -> trải nghiệm -> tích lũy -> phản ứng cho tác động thêm cái xúc nữa. Có nghĩa là những cái xúc nội, nguyên một chuỗi phản ứng này làm giàu cho cái xúc, và càng rung động hơn nữa.
Tưởng tượng rằng bố mình vừa mới chết, mười năm rồi lúc ông chết nằm trên tay mình, mình ôm ông, để ông vào quan tài, bây giờ mười năm rồi, thúi rồi, tan hết rồi, nhưng mà hình ảnh của ông vẫn còn ở trong nội tâm. Và khi mình nhớ tới thì lập tức mình phản ứng lại hình ảnh trong nội tâm, chứ đâu phải phản ứng thấy ông, nghe ông nữa đâu, ông đã chết rồi mà, đâu có thấy, đâu có nghe nữa, nhưng hình ảnh còn trong ký ức và chúng ta phản ứng lại hình ảnh trong ký ức đó thì cũng gọi là xúc.
Cái xúc ngoại này thấy rất rõ: nghe người ta nói -> vào tai -> xúc. Bỏ thức ăn vào lưỡi, ăn -> đắng, cay -> xúc, nhận biết liền.
Nhưng có những cái xúc nội ngủ ngầm, không bao giờ thấy được nó. Cha mình lúc chết, mình chăm sóc cho ông mười năm, rồi ông mới chết, ông bệnh ông mới chết, hình ảnh đó là nội – ký ức. Mỗi lần ngồi thiền nếu không cẩn thận, nó trồi lên, sẽ có phản ứng, nguyên một chuỗi phản ứng, xúc nội xúc ngoại nó đối với nhau liền, sanh tác ý liền, sinh tác ý thì nó nhận biết, nhận biết đây là cha tôi chết mười năm rồi, đây là ký ức buồn vui thương nhớ, đều có trải nghiệm và nước mắt rớt ra, tích lũy thêm, cái buồn tích lũy thêm cái buồn cũ, xúc đều có tích lũy mà, hễ có xúc là có tích lũy. Tại vì thiếu nhận biết, thiếu huân tập thì nó sẽ tích lũy, để rồi càng tích lũy thì càng phản ứng, phản ứng đó có thể là phản ứng từ chối hay là phản ứng thêm vào, từ chối hay thêm vào đều là sân, tham.
Ví dụ: hồi lúc cha còn sống mười năm, bệnh nằm bệnh viện, mình lo làm ăn, lo chồng lo con, một tháng mới đi thăm cha được một ngày, nghĩ chuyện đó bình thường, con bận quá con đi thăm cha một ngày, tới khi cha chết rồi bao nhiêu cái hối hận tích lũy, đưa tới trải nghiệm, tích lũy, hối hận, hối hận tích lũy, tích lũy thì phản ứng, phải chi hồi đó tôi dành nhiều thời gian cho cha tôi, phải chi, phải chi, phải chi, … là hối hận. Trạng thái hối hận đó, trong thuật ngữ của thiền gọi là trạo cử – tình trạng bất an của tâm. Những cái gì không hài lòng, do xúc ngoại biến thành xúc nội, lưu trữ bên trong và tiếp tục phản ứng trở lại, rồi nó tích lũy, bây giờ nó vẫn còn cơ hội trồi lên. Khó chịu, hối hận, ăn năn, phiền não, đây là một trạng thái của trạo cử, trạo cử đây là phiền não, gọi là lậu hoặc. Nhưng mà cái này phiền não cái gì? phiền não trong nội tâm, tại vì mình xúc nội, phiền não trong nội tâm.
Phiền não trong nội tâm có ảnh hưởng gì tới cái ngoại không? Có! Ảnh hưởng tới hành vi, ảnh hưởng tới cách sống, thay đổi hết. Ngày xưa lo chồng lo con, một tháng đi thăm cha bệnh nằm trong bệnh viện được một lần. Bây giờ cha chết rồi, quay lại trách móc với con với chồng, tại ông, tại con mà hồi đó tôi không lo cho bố tôi được, sự hối hận làm cho mình khó chịu, và mình đổ thừa cái đấy cho đề mục bên ngoài, tại ông tại con mà đáng lẽ hồi đó tôi đi thăm bố tôi một tuần một lần, mà tôi không đi được vì bận quá, tôi dính mắc tới chồng con, cho nên tôi không đi được, bây giờ tôi hối hận, tất cả những cái đó trút lên người chồng để thỏa mãn bớt trạo cử, đó là hành động tích lũy và phản ứng. Mà hễ có phản ứng xảy ra trong hành vi, trong đời sống, trong nhân sinh quan, trong cuộc sống hằng ngày thì dẫn tới oan trái.
Nếu có phản ứng mà cộng với vô minh thì bằng oan trái. Phản ứng + vô minh = oan trái
Phản ứng mà cộng với minh thì hiểu biết, hiểu và thương. Phản ứng + minh = hiểu và thương.
Hiểu rằng nghiệp dẫn tôi vào trong hoàn cảnh đó, vì tôi vô minh nên khổ, vì tôi minh nên tôi thương, trước hết là thương tôi vì cái nghiệp của tôi, tôi rớt trong hoàn cảnh bi đát đó, cha chết, cha bệnh mười năm nằm trong bệnh viện, hai ba tháng mới đi thăm một lần, vì chồng vì con, bây giờ cha chết rồi tôi hối hận, phản ứng oan trái đổ thừa cho chồng là vô minh.
Còn nếu mình có minh, tức là có suy xét, có tập tu thì mình biết cảm xúc đó, mình hiểu, hiểu đây là nghiệp của mình, chẳng dính gì tới ai, nhưng mà mình vô minh nên mình phản ứng lại, thay vì đáng lẽ đi thăm cha thì không đi, mê mẩn chồng với con cho nên rốt cuộc dính mắc, để rồi bây giờ đã nó xảy ra sự cớ như vậy, cho nên mình hiểu là nghiệp của mình, và mình thương, thương mình, chứ không thương ai hết, vì mình đã vô minh tạo nghiệp, mất đi cơ hội để phục vụ cha.
Và khi mình có hiểu và thương, cái minh này có thì lúc bấy giờ hiểu trạo cử đây chỉ là các phản ứng của thân và tâm, biết được đây chỉ là phản ứng của thân và tâm thì không chạy theo phản ứng của thân và tâm bởi vì các thứ đó đều sanh diệt. Các phản ứng của thân và tâm đều sinh diệt. Mà hễ đều sanh diệt thì nó không thường, tức là không có thật, cho nên ngay cả trạo cử này quán chiếu cũng buông nó dễ dàng.
Nếu ta không hiểu ta, ta không thương ta thì ta không có trí tuệ, mà nếu không có trí tuệ thì ta tiếp tục trạo cử hối hận, rồi dồn tất cả những cái bất mãn đó cho những đối tượng xung quanh như chồng, con, bạn bè. Hợp tác với người ta làm ăn, quên nhà quên cửa quên cha quên mẹ quên vợ quên chồng luôn, ham tiền rồi tới chừng cha chết rồi nói phải chi biết vậy tôi đừng ham tiền, tôi lo chăm sóc cho cha để bây giờ tôi đỡ hối hận, tức là trạng thái trạo cử, mình đâu có thương mình cho nên chuyện đối cảnh những hậu quả xảy ra đưa tới khó chịu, oan trái.
Thế thì xúc này có xúc nội, xúc ngoại, chứ không phải chỉ có xúc ngoại, không phải chỉ có người ta chửi mình, con chó sủa, hay là ngồi lâu nó đau. Ngồi lâu nó đau, nhưng xúc nội nhiều lần ngồi, cái sự hiểu biết về cái nội này tăng, cho nên không cáu kỉnh, không thấy khó chịu, không thấy khổ nữa, và vì nó thương, thương là nếu tôi không ngồi, kiếp sau tôi làm chó làm mèo, tôi tái sanh sanh tử luân hồi, tôi còn khổ gấp ngàn lần nữa, và vì thương mình cho nên vượt qua được hết tất cả những cái khổ do xúc nội xúc ngoại.
Ở đây minh và vô minh chỉ có vậy thôi, nhận biết hay không nhận biết. Mà khi nhận biết rồi là đều thường thường trải nghiệm, cái khổ đến đều có trải nghiệm, cha chết có trải nghiệm, ngồi thiền lâu cũng có trải nghiệm, biết đau cỡ nào, có trải nghiệm hết. Mà tất cả những trải nghiệm đó trở thành kinh nghiệm và được tích lũy, đây chỉ là kinh nghiệm thôi, mà có kinh nghiệm thì dẫn tới kiến thức. Cái nhận biết mà có kiến thức rồi thì cẩn thận: rớt vào chấp kiến, ở đây cái ngã lớn lắm, tôi biết tôi đã trải nghiệm rồi, tôi đã đau đớn rồi, không ai nói gì mà tôi tin nữa, chấp kiến này kinh khủng lắm, mà hễ có chấp kiến thì có ngã, có ngã thì tái sanh, vậy thôi.
Thế thì khi chúng ta trải nghiệm, tích lũy, nhưng nếu chúng ta có phản ứng, và trong phản ứng đó chúng ta có minh hoặc vô minh, hễ vô minh thì oan trái, hễ có minh thì hiểu và thương và giải quyết cái trạo cử này rất dễ, trạo cử này là do duyên sanh.
Xúc với ngoại thì thì có một sát na, một phút, hai phút rồi nó đi mất. Xúc với nội thì 24 tiếng đồng hồ, ăn cơm cũng nhớ tới, nhớ cái gì đủ thứ hết, nó nằm ở đâu, ngủ ngầm ở đâu trong não của mình, nhớ cha nhớ mẹ nhớ chồng nhớ con nhớ hàng xóm nhớ tiền nhớ bạc nhớ đủ thứ, nó cứ chạy lên hoài, đều có xúc nội, mà hễ có xúc nội mà thọ thì lập tức làm giàu thêm, tích lũy thêm và cứ như thế để rồi nó tạo nên nghiệp, tích lũy kinh nghiệm chính là nghiệp, tích lũy kiến thức chính là nghiệp vì đưa tới chấp kiến, cho nên nếu có phản ứng lập tức rớt vào nghiệp. Nhưng nếu ta không phản ứng như Đức Thế Tôn nói có ông bà la môn chửi suốt ngày, Đức Thế Tôn nói “nếu như ngươi có một món quà đem đi cho một người nào đó mà người đó không nhận thì món quà thuộc về ai”, người kia mới nói “dĩ nhiên tôi cho mà người ta không nhận thì món quà đó vẫn thuộc về tôi”.
Đức Thế Tôn nói cũng như thế, cũng như thế, những điều mà nhà người nói ta nghe, mắng chửi ta mà nếu ta không nghe thì nó trở về nhà ngươi, có nghĩa là sao, nếu chúng ta không thọ, có xúc mà không thọ, nghe mà không thọ. Đức Phật nghe nhưng không thọ.
– Hỏi: ngài Cồ Đàm có nghe không?
– Dạ tôi có nghe chứ, tôi nghe ông nói từ sáng đến giờ, ông càm ràm mà sao tôi không nghe.
– Tại sao ông không trả lời?
– Tại vì tôi không thọ, cái tôi nghe tôi không thọ nên tôi trả lại ông.
Và vì không thọ cho nên không lạc, không khổ, mà nếu không lạc, không khổ thì đây gọi là trạng thái giải thoát. Tại vì không lạc không khổ cho nên cắt đi cái thọ, muốn cắt cái thọ thì phải tập, không có cách nào nghe giảng hay đọc sách, không ai đọc sách thiền mà trở thành thiền sư, những vị thiền sư toàn là những vị đi leo lên núi, ngồi trong hang hàng chục năm, ăn lá cây, uống nước suối, ăn trái cây, người ta mới thành thiền sư, người ta không vì đọc sách nhiều, nghe giảng nhiều mà thành thiền sư mà phải nhờ sự hành trì, hành trì miên mật, mà nó liên tục tại vì hễ xúc thì thọ, mà nếu không xúc ngoại thì xúc nội ngay, nếu xúc ngoại không có, không có bài giảng thì lập tức quý vị ngồi nghĩ vẩn vơ, thì đó là xúc nội.
Tất cả những gì trong tâm quý vị nhào lên liền, cho nên tại sao ở trong đạo tràng này, Sư muốn quý vị thực tập nhiều, bớt nói bớt nghe bớt ăn bớt ngủ, sáng 3h thức dậy, 3h30 có mặt tại chánh điện thực tập cho tới 5h30, rồi 7h học tiếng Anh, không để cho tâm mình rảnh, vì hễ nó rảnh là các pháp nội nổi lên, làm giàu, tích lũy cho các phản ứng buồn vui thương ghét nhảy ra liền và như vậy tiếp tục tái sanh, như vậy đi ngược lại mục đích khi quý vị đến đây, quý vị muốn đến đây làm gì?
Để giải thoát, để khỏi sanh tử luân hồi, mà nay đến đây vui chơi, ăn rồi ngủ, tức là tích lũy thêm nghiệp, tích lũy thêm nghiệp thì tiếp tục tái sanh, cho nên đừng để cho thân mình ở không. 7h học tiếng Anh thì học tiếng Anh, 8h ngồi thiền thì 8h ngồi thiền, 9h nghe giảng thì 9h nghe giảng, tập cho mình, đưa mình vào khuôn khổ để phá cái nội, không xúc nội nữa, không cho nó trồi lên nữa, tiêu diệt nó, vì mình bận rộn với các bài học, bận rộn với ngồi thiền, mình không còn thời giờ để mình suy tư, tưởng tượng về những cái cũ, mà nếu cái cũ mà không tưởng tượng, không tích lũy thì nó không phản ứng. Giống như cái cây quý vị trồng mà không tưới nước thì nó chết, hễ có tưới nước tức là có động, có tham ái, hễ có suy nghĩ tới nó tức là có tưới nước, bây giờ không tưới nước nữa, lâu ngày nó chết, nó chết thì củi hết lửa tắt, củi hết lửa tắt thì không còn tái sanh nữa.
Thế giờ quý vị hỏi lại mục đích của quý vị lên lạy Phật sám hối, bạch Phật trước khi đi tới đây con phát nguyện con đi theo Phật, nhưng mà tới đây con thấy êm quá con ngủ sướng quá, con thấy ăn thoải mái quá, ở đây không ai ép con ngồi thiền cho nên lúc nào con thích thì con ngồi, lúc nào con không thích thì thôi. Phật ơi, oan trái là oan trái, khổ quá làm sao con giải thoát. Quý vị phải tập liên tục không bao giờ cho nghỉ, 7h sáng làm việc tới 12h trưa, sau khi ăn trưa xong cho nó nghỉ một tiếng đồng hồ đi vệ sinh cá nhân, giặt giũ, 1h lên ngồi thiền. Mục đích của quý vị là gì? Ở đây là triệt tiêu cái nội và cái ngoại luôn, bối cảnh này không có cho xúc nữa. Ngồi thiền liên tục, làm việc liên tục, ngoại nội đều không có xúc thì không còn thọ nữa.
Tất cả những gì vô minh tích lũy từ xưa tới nay, trong lúc ngồi thiền nó sẽ trồi lên, trồi lên thì vứt bỏ, trồi lên thì vứt bỏ và cứ như vậy, trong cái kho trữ liệu của cái thức không còn nữa, nếu quý vị siêng năng tu tập thì nó sẽ không còn nữa, mà nếu không còn nữa thì không dẫn tới tái sanh. Còn củi thì lửa mới cháy, bỏ củi thêm vào thì lửa cháy tiếp, bây giờ đóng tai đóng mắt đóng mũi rồi, củi không thêm, bên trong cháy hết thì thành tro. Cho nên tùy quý vị chọn, nếu quý vị chọn mục đích giải thoát, chấm dứt sanh tử, nội ngoại xúc đều cắt bỏ, mà muốn cắt bỏ thì phải có việc gì thế nó.
Hôm trước Sư giảng cho quý vị nghe Đức Phật giảng về cái chốt của cái kèo nhà, bên Ấn Độ người ta khoét cái lỗ, người ta không dù bulong bằng sắt, người ta dùng bằng cây tròn tròn, lâu ngày bị mục, muốn thay thì làm cây khác giống y như vậy, người ta đóng cây mới vào thì cây cũ bay ra, cây mới trám vào, thế vào chỗ đó. Cũng như thế, nếu quý vị muốn dẹp tan cái này, quý vị phải đưa vào Pháp thiện để dẹp tan cái pháp bất thiện, không có cách nào khác. Muốn thay cái cột, kèo thì phải đóng cái mới vào, cái mới đó là Pháp thiện, là Pháp hiểu, biết và từ bi trí tuệ để đóng bật cái bên trong ra, cái bên trong là tham sân si.
Quý vị nên nhớ tâm của chúng ta được huân tập từ lâu rồi, từ nhỏ tới lớn, đam mê thỏa thích trong cảm giác dục lạc, chỗ nào có vui, chỗ nào có dục lạc, chỗ nào có thích thú là cái tâm chạy theo chỗ đó liền. Cái bông đẹp, tâm chạy theo cái bông đẹp liền. Đang ngồi đây mà ngoài kia người ta hát cải lương mà tâm mình ưa thích cải lương, lập tức tâm mình chạy ra ngoài cải lương liền, nó nghe xem lời hát là lời gì, nỉ non, líu lo, nghe hết chứ chưa chắc lời giảng của Giảng Sư quý vị đã nghe kịp.
Mà cái lời nỉ non ở bên ngoài, tại nó được thuần thục, các pháp bất thiện đã làm cho quý vị thuần thục ở trong tâm, tâm ưa thích các pháp bất thiện, ưa thích sự hiện hữu, ưa thích sự thủ đắc cho nên sẽ tiếp tục tái sanh, thế thì nếu chúng ta muốn chấm dứt tái sanh, muốn chấm dứt đau khổ, muốn chấm dứt thọ lạc, thọ khổ thì chúng ta không xúc nữa, xúc không thọ, mà muốn xúc thì đương nhiên có nội có ngoại, ở đây đóng mắt đóng tai đóng mũi là đã ngoại rồi, sáng nay quý vị có xúc ngoại không? Có! Thì giờ rảnh rỗi làm gì? Chạy lăng xăng nói chuyện người này người kia, đó là xúc ngoại, là phóng dật, mà phóng dật là mở cửa địa ngục, quý vị tu một ngày mà 15 phút phóng dật thôi thì một ngày tu đó vất đi hết.
Các cảm xúc thỏa mãn bởi cảm giác dục lạc nó rất mạnh, nó chế ngự được hết tất cả những công phu tu tập, cho nên cố gắng làm sao chúng ta để nó liên tục như dòng nước chảy, đừng có đắp bờ đắp đê chỗ nào để cho các pháp bất thiện chen vào, mắt tai mũi đóng lại, ngồi thiền, đi kinh hành liên tục không để cho nghỉ, rồi có giờ rảnh rỗi lên thư viện lấy Kinh sách ra đọc, để cho thân và tâm mình bận rộn với cái đề mục thì cái nội sẽ không trồi lên nữa, cái nội chỉ trồi lên lúc nào mình rảnh rỗi, trải nghiệm, tích lũy, rảnh rỗi không làm gì lập tức nó lên liền. Giống như miếng đất mà nếu không trồng lúa, không trồng cây ăn trái thì cỏ dại sẽ mọc.
Trong cái thọ cũng có ngoại, nội. Nhớ ngày đám cưới, ông xã cho mình chiếc nhẫn, cảm giác sung sướng đó mất rồi nhưng giờ ngồi thiền nó trồi lên, tức là thọ lạc nhưng mà thọ nội, rồi bây giờ mình đi đâu ổng cứ cản trở không cho mình đi, làm mình khó chịu, trạo cử – trạng thái của tâm.
Cho nên đừng để mình ở không, mấy chục năm nay chúng ta đã ở không rồi, chúng ta làm giàu cho cái thức của chúng ta bằng những pháp bất thiện, bây giờ chúng ta muốn giải quyết vấn đề sanh tử luân hồi thì chúng ta phải chế ngự cái tâm, bắt cái thân làm theo những điều kiện mà mình quy định, để nó điều phục cái tâm, cái thân ngồi thiền hoài sẽ bớt nóng giận, không lăng xăng nữa, đi cũng vậy, đi rất nhanh nhưng bây giờ mình đi thật chậm, đi thật chậm để cái tâm điều phục được, lúc nào cái tâm của mình cũng thói quen cái thân của mình bước nhanh thì cái tâm của mình chạy theo, nó thúc, nó rất vi tế, nó thúc nhanh nhanh nhanh, nhưng giờ mình chậm tức là mình điều phục cái tâm chứ không phải cái thân đâu, nhấc lên như thế này, tác ý nhấc lên nhấc lên nhấc lên, đạp xuống đạp xuống đạp xuống, để làm gì vậy? Tức là cái tâm của mình đi thật chậm, mà hễ nó đi thật chậm rồi nó mới hiểu được, nó đi thật nhanh không bao giờ thấy được, đi thật chậm thì mới biết rằng xúc nội xúc ngoại đưa tới thọ nội thọ ngoại, và tất cả chỉ là cái gì? Tất cả thọ lạc thọ khổ này là sanh diệt. Không ai sướng hoài, không ai khổ hoài cả ngày, hết sướng tới khổ hết khổ tới sướng, bước ra nắng thấy khổ, bước vô trong mát thấy sướng, uống miếng nước lạnh thấy sướng, uống miếng nước nóng thấy khổ, ăn miếng ớt thấy khổ, ăn miếng cam thấy sướng, nó chuyển liên tục liên tục. Trong một miếng ăn, ví dụ ăn một miếng cam, cắn miếng đầu tiên thấy chua quá, khổ, rất vi tế, phải nhận biết liền.