=> Nếu video bị lỗi. Xin quý vị nhấp vào đây
Thứ Tha – Forgiveness
Kính thưa đại chúng, hôm nay chúng ta sẽ học 3 phần:
Phần 1: học công thức các Chư tăng ở các nước đều làm khi xin sám hối, sám hối như thế nào để rửa sạch tất cả oan khiên, nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp ở trong tâm của chúng ta.
Phần 2: học cách thực hành rải tâm từ như thế nào.
Phần 3: học bài Kinh Châu Báu – hồi xưa ngài Anan đã dùng nó để cứu nguyên cả thành Vesali, có hàng chục ngàn người chết vì bệnh dịch.
Chúng ta nên nhớ rằng, tu tập tâm từ không phải chỉ có ngồi thiền mới là thiền tâm từ, thiền tâm từ bao gồm cả đi đứng nằm ngồi.
Thứ nhất theo truyền thống, người ta tụng kinh rải tâm từ, nhưng phải có tâm từ mới rải được phải không quý vị? Có tâm từ mới chia được, nếu mình toàn là tâm sân hận thì mình đâu có tâm từ để chia cho ai.
Thứ nhì là tu tập tâm từ, phát triển tâm từ: đi đứng nằm ngồi đều phải tu tập chứ không phải chỉ có ngồi thiền.
Thứ ba là phát triển tâm từ không phải chỉ dành cho con người mà dành cho cả ngạ quỷ (ngạ quỷ là những gì ta không thấy), súc sanh, chư thiên. Chư thiên cũng cần tâm từ, hết phước chư thiên cũng rớt xuống làm côn trùng, cho nên chư thiên rất cần chúng ta, chúng ta cũng cần chư thiên để chư thiên hộ trì chúng ta tu tập tinh tấn, ma quỷ không phá, nhưng mà ngược lại chư thiên cũng cần chúng ta, cho nên khi chúng ta làm phước, làm các thiện sự chúng ta đều phải hồi hướng chia cho chư thiên. Nếu quý vị không nói chia cho chư thiên thì chư thiên không có ai dám nhận đâu, đó là luật trong vũ trụ “nguyện cho những phước lành này xin chia đều đến chư thiên và tất cả chúng sanh, tất cả những người thân nhân của chúng con đã mất” thì chư thiên mới dám nhận, còn tự nhiên mà nhận thì mang tội ăn trộm phải không quý vị? Lấy của không cho là ăn trộm.
PHẦN 1:
Sau đây là công thức để mỗi buổi sáng chúng ta nên học trước khi xin giới, quý vị nên học bài tụng này. Học bài tụng này nói trước khi sám hối để tâm thanh tịnh, xin giới mới được chư thiên ủng hộ. Ở trên là phần tiếng Pali, dưới bằng tiếng Anh, dưới cùng bằng tiếng Việt.
Ratanattaye pamadena, dvarattayena katam, Sabbam apparadham khamatu no bhante
May the Trile Gem forgive us for any wrong we have done to it out of heedlesssness in thought word or deed (three times)
“Kính bạch chư đại đức tăng, con xin tam bảo tha thứ cho những lỗi lầm của con do vô minh từ thân khẩu ý từ vô thủy đến nay (ba lần)”.
Câu này được thể hiện bằng tiếng Pali, tiếng Việt và tiếng Anh. Học bài tụng này nói trước để tâm thanh tịnh, sám hối mới được chư thiên ủng hộ. Câu này phải xin ba lần, lặp đi lặp lại ba lần, nguyên tắc như vậy, bất cứ vị nào muốn xin sám hối đều phải tụng câu này trước, rồi sau đó mới xin giới được, tức là cái tâm thanh tịnh thì xin giới mới có hiệu lực.
“Kính bạch chư đại đức tăng, con xin tam bảo tha thứ cho những lỗi lầm của con do vô minh từ thân khẩu ý từ vô thủy đến nay”
Tức là chúng ta phải thương chúng ta, tu tập tâm từ là phải thương chúng ta, chúng ta đã vô minh trôi nổi trong ba cõi sáu đường trong vô lượng kiếp rồi. Chúng ta phải thương chúng ta, nếu chúng ta không thương chúng ta thì không ai thương ta hết, chúng ta tiếp tục phạm lỗi rồi chúng ta tiếp tục sanh tử luân hồi. Không có một vị Phật nào có khả năng đem quý vị ở trong sanh tử luân hồi ra khỏi sanh tử luân hồi, không có ai làm được. Các vị Phật đều nói “tự các ngươi làm các người ô nhiễm, tự các ngươi làm các người thanh tịnh”.
Cho nên quý vị phải tự mình làm, tự mình tu, nhưng mà mình nhắc mình bằng cách là:
“Kính bạch chư đại đức tăng, con xin tam bảo tha thứ cho những lỗi lầm của con do vô minh từ thân khẩu ý từ vô thủy đến nay”
Phải xin ba lần và đem lòng thành kính ra xin, để làm gì? Để xả cái ngã mạn, xả cái ngã mạn thì mới chứng vào dòng thánh được, còn thân kiến tà kiến thì còn ngã mạn, không vô nổi dòng thánh, cho nên phải xả, và đây là một cách để mình xả.
Đây là câu các nước Miến, Thái Lan, Campuchia đều đọc câu này hết. Sư đi đến đâu cũng vậy, trước khi người ta xin giới thì người ta đọc câu này. Mà cách người ta đọc làm sao? Người ta quỳ xuống, quỳ mọp, nằm mọp ở trên đất, người ta niệm:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” ba lần, Nam Mô Phật Nam Mô Pháp Nam Mô Tăng
“Chúng con xin tam bảo tha thứ cho những lỗi lầm sai trái do chúng con vô minh đã làm nơi ý, khẩu, thân”
Toàn thể đều nói vậy, rồi vị trưởng nhóm mới nói niệm Phật. Niệm Phật xong rồi nói:
Pamadena, dvarattayena kâtm, sabbam aparadham khamatu no bhante
Venerable Sir, may you forgive us for any wrong we have done you out of heedlessness in thought, word, or deed
“Bạch chư đại đức tăng xin quý Ngài chứng minh tha thứ cho những lỗi lầm sai trái do chúng con vô minh từ thân, khẩu, ý”
và sau khi nói xong 3 lần phải nằm mọp đầu xuống, không ngẩng đầu lên. Vị lớn nhất lúc bấy giờ mới nói và tất cả đều lắng nghe:
Aham khamami, tumhehi pi me khamitabbam.
I forgive you; may you all also forgive me.
“Tôi xin tha thứ cho quý vị, và xin quý vị cũng tha thứ cho tôi”.
Sau khi nói xong như vậy tất cả đều trả lời:
Khamama bhante
We forgive you, Venerable sir
“vâng, chúng con xin tha thứ cho Ngài”.
Tại vì vị sư lớn nhất nói “tôi tha thứ cho quý vị, xin quý vị cũng tha thứ cho tôi”. Mà quý vị không tha thứ thì vị sư ấy bị kẹt cho nên quý vị phải nói “vâng, chúng con tha thứ cho Ngài” tức là hai bên đều tha thứ cho nhau hết.
Phương pháp này hay lắm thưa chư vị, nó phá được cái ngã của chúng ta, chúng ta không còn ngã và chúng ta bớt được oan trái, nhắc nhở mình bớt oan trái, bớt dính mắc, mà nhờ như vậy chúng ta tu được. Đó là công thức để chúng ta thực hiện trước khi xin giới.
PHẦN 2:
Bài Kinh tâm từ, có tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pali. Nay Sư giới thiệu sơ lược cho quý vị cho biết.
Đây là bài kinh tâm từ Đức Phật dạy, quý vị chú ý kỹ: “vị hành giả thiện xảo trong các thiện pháp và có nguyện ước muốn đạt được tới sự tĩnh lặng cần phải làm như thế này: thẳng thắn, nhẹ nhàng, tuân lệnh, khiêm cung, kham nhẫn, làm tất cả các việc cần làm, kiểm soát tất cả các căn: mắt tai mũi lưỡi thân ý, đều phải kiểm soát, không vi phạm một lỗi nhỏ nhất mà người có trí tuệ khiển trách. Một lỗi nhỏ nhất cũng không vi phạm, lúc nào tâm cũng là thiện”.
Ở đây có một câu quan trọng Đức Phật dạy “ví như người mẹ muốn bảo vệ một đứa con duy nhất, ngay cả khi phải hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ cho đứa bé ấy”. Tức là khi chúng ta tu tập, chúng ta phải ghê sợ tội lỗi, bảo vệ sự chấm dứt sự tái sanh giống như là một người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất, có một đứa nên thương lắm, ta phải thương ta trước, ta sanh tử luân hồi nhiều quá rồi, bao nhiêu kiếp rồi, cho nên phải phát triển tâm từ như vậy, giống như là người mẹ bảo vệ nuôi dưỡng một đứa con duy nhất, người mẹ có thể hy sinh tính mạng của mình cho đứa bé ấy, tức là cái tâm nó phải như vậy, thương tới mức như vậy, bỏ hết tính mạng của mình cho đứa bé ấy. Tức là xả bỏ hết.
Nếu vị hành giả thực hiện tâm từ thì phải luôn luôn tránh xa tất cả các tội lỗi, các lỗi lầm ở trong tâm mình và không còn dính mắc tới các cảm giác và không còn dính mắc tới năm căn: mắt tai mũi lưỡi thân, những cảm giác dính vào nơi mắt tai mũi lưỡi thân phải bỏ hết. Mà nếu làm được như vậy, tu tập tâm từ như vậy thì Đức Phật nói người đó không còn sanh vào bào thai nữa, sẽ không còn tái sanh, chấm dứt sanh tử.
Cho nên điều quan trọng là giống như một người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất, phải thương như vậy, quý tới mức như vậy, kể cả hy sinh tính mạng, kể cả chết bỏ chứ không làm sai, không hại ai, thà là mình chết chứ mình không hại ai, nguyên tắc là như vậy thì mới có thể phát triển được tâm từ cho tất cả chúng sanh.
Khi bắt đầu thực hành thiền, trước khi hành thiền thì quý vị phải ngồi nghiêm trang, rồi chú tâm đọc theo các câu bên dưới, sau khi mình thanh tịnh rồi mình mới rải tâm từ và rải từng loại người, tức là từng loại người một, trước hết là thương mình rồi sau thương tới thầy tổ, sau nữa cha mẹ,… kể cả những người không quen biết, tức là ta đem cái tâm không phân biệt thân và sơ, kể cả những người không có thiện cảm với tôi, tức là người ta ghét tôi, tôi cũng tràn đầy tình thương, mặc dù người ta không ưa tôi, tôi vẫn thương người ta, mong người ta có đầy đủ sức khỏe – đây là khẩu quyết để thực hành thiền. Sau khi phát nguyện xong thì cái tâm của mình hướng về các chúng sanh với tâm thương yêu rồi, bắt đầu có tâm từ, giờ bắt đầu mới rải, đọc chậm chậm để rải tâm từ, nhớ tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc của nhau, Phật dạy như vậy cho nên chúng ta phải thương yêu nhau, đó là phương pháp rải tâm từ.
-Vì lầm lạc và không minh mẫn nên tôi đã có hành động, lời nói, ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho người khác. Xin tất cả hãy mở rộng lòng từ bi và trí tuệ tha thứ cho tôi.
– Tôi xin thành thật tha thứ cho tất cả những ai đã có hành động, lời nói, và ý nghĩ sai lầm, làm thiệt hại và gây ra đau khổ cho tôi (3 lần).
– Tôi xin thành thật tha thứ cho chính tôi, và nguyện từ nay làm lành, lánh dữ, giữ tâm trong sạch (3 lần).
Sau khi mình thanh tịnh rồi mới bắt đầu rãi tâm từ, từng loại người nha.
Nguyện cho tôi (hay mong cho tôi) tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho Thầy Tổ Tôi, và các bậc ân nhân của tôi tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho Cha Mẹ Tôi tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho những ngươì trong gia đình tôi tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho thân bằng quyến thuộc tôi có tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho bạn bè tôi tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả những thiền sinh tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho những ngươì không quen biết tôi tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho những người không có thiện cảm với tôi tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
B: Rải tâm từ theo nơi chốn.
Nguyện cho tôi có tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh trong nhà này tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh trong khu vực này tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh trong thành phố này tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh trong ….. (tỉnh, huyện) này tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh trong nước này tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh trên thế giới này tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh trong vũ trụ tràn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, không gặp chướng ngại.
Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng có hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ, hãy giữ mình cho được an vui, tất cả chúng sanh đang khổ rồi, cầu mong cho dứt khổ, đang kinh sợ rồi, cầu mong cho hết kinh sợ, đang thương tiếc rồi, cầu mong cho hết thương tiếc. Cầu mong tất cả chúng sanh thoát đau khổ.
Ở đây chúng ta tu học chúng ta phải hiểu “Metta” là gì? Sư nhấn mạnh nhiều lần Metta là một loại năng lượng, mà loại năng lượng này nó rung động rất là nhẹ nhàng và có tần sóng ngắn cho nên nó xuyên được tất cả, nó có năng lực rất mạnh. Con người với con người cảm thông, con người với con thú cũng cảm thông được tại vì nó rung động nhẹ, nó rung động mạnh người ta chạy hết, con chó con mèo mà thấy mình hung dữ thì nó chạy hết.
Cho nên Metta khác với sân hận, ví dụ sân hận là nước sôi một trăm độ thì Metta là nước tủ lạnh không độ nó mát, lúc nào cũng mát mẻ, nếu quý vị cảm thấy trong người lúc nào hơi bực bội là biết tâm sân nó lên chứ không còn tâm từ nữa, cẩn thận. Tâm sân là đi bốn đường ác đạo, tâm từ thì mới giải thoát được.
Đức Phật dạy người tu tập tâm từ tới chỗ toàn thiện cũng có thể chứng vào A Na Hàm, dưới A La Hán có một bậc, tức là còn tái sanh một lần thôi. Cho nên nếu quý vị tu tập tâm từ thôi, không làm gì hết, làm sao cho cái tâm mình mát mẻ thương yêu, thương yêu mình thương yêu mọi người thì cũng có thể vào được dòng thánh, vào được A Na Hàm.
Tâm từ là một tiến trình chứ không phải là vật thể mà mình có thể sờ mó được, nó từ từ thay đổi các năng lượng sân hận, nó biến đổi các năng lượng sân hận, chuyển hóa các năng lượng sân hận. Tại sao? Tại vì hễ có các năng lượng sân hận vì còn dính mắc cho nên mới sân.
Ví dụ: chồng tôi cho nên tôi mới nổi sân khi có bà nào lại ôm chồng tôi, chồng tôi mà sao lại ôm, mấy ông cũng vậy, vợ tôi cho nên ông nào mà lại ôm vợ tôi là có chuyện với tôi, tại vì vợ của tôi, chứ nếu người ta ôm vợ hàng xóm quý vị đâu có quan tâm, cho nên nó dính mắc, vì dính mắc cho nên mới có sân, nay tâm từ dẹp bỏ các sự dính mắc, nhận biết các pháp vô thường mà nó nhẹ nhàng, không những không dính mắc mà nó nhẹ nhàng chứ không có nặng nề và nó đều có tuệ giác. Tâm từ là có tuệ giác, nhận biết các pháp đều là vô thường cho nên thương mình trước, mình đã trôi nổi ba cõi sáu đường trong vô lượng kiếp rồi, khổ quá rồi, hết làm chó làm mèo mà bây giờ lại tiếp tục gây khổ nữa để tiếp tục tái sanh nữa.
Nếu không có chánh kiến thì làm sao chúng ta biết được chúng ta đang có sân hận để chúng ta chuyển hóa, phải có chánh kiến cho nên phải tu Bát chánh đạo thì mới có thể nhận biết được. Ở trong kinh Pháp Cú có câu chuyện hai người đàn bà sân hận với nhau mà năm trăm kiếp làm cầm thú.
Người đàn bà lớn ở với chồng mà không có con nên mới đi lấy vợ bé cho ông chồng, mà cô vợ bé có con, lúc cô vợ bé có con thì nổi sân muốn giết đứa con, mà giết không được cho nên thề độc: từ nay trở đi nói nhà ngươi ở đâu ta tới đó ta giết, bà vợ nhỏ đầu thai làm con chuột thì bà vợ lớn đầu thai làm con mèo, con mèo nó đi kiếm con chuột nó nhai đầu cho hả giận, bà vợ nhỏ đầu thai làm con chim sẻ thì bà vợ lớn đầu thai làm con chim đại bàng để đi bắt con chim sẻ mổ ngay đầu nó,… năm trăm kiếp làm cầm thú để trả thù nhau, đến khi gặp Đức Phật nói ngu vừa vừa thôi chứ, năm trăm kiếp làm cầm thú chưa đủ sao, hai bà nghe ra ngộ, xả bỏ, tức là không còn giận hờn nhau nữa, mới xả được cái thân cầm thú và cũng vì duyên sự đó Đức Phật mới nói ra 1 câu trong kinh Pháp Cú “lấy ân báo oán thì oán tiêu tan, lấy oán báo oán thì oán chập chùng” câu này áp dụng trong đời sống hàng ngày đó quý vị.
Thí dụ như trong gia đình: cha với con, mà con mình nó làm ngỗ nghịch, sai mình vẫn lấy ân mình sửa đổi nó tức là lấy tâm từ thì nó thành tựu và nó bền, nó tự nhiên nó có tuệ giác nó thay đổi, còn giờ mình cứ la lối mình đánh nó, lấy sân đối lại với cái sân là mình thất bại.
Đức Phật dạy lấy ân báo oán thì oán tiêu tan, lấy oán báo oán thì oán chập chùng. Cho nên ở tâm từ ở đây là một tiến trình chuyển hóa năng lượng, năng lượng sân hận. Tại sao nó sân hận? tại vì nó vô minh, dính mắc, bạo động. Tâm từ là không dính mắc, có tuệ giác và nó nhẹ nhàng.
Nhưng có một điều chúng ta tu tập rồi chúng ta biết nguyên tắc của tâm từ là nó không có bền, không có cái gì mà bền được hết, cái gì cũng là vô thường. Có lúc mình từ, có lúc mình hung dữ, tâm từ nó không bên. Cho nên khi ta làm việc tâm từ đừng có nên dính mắc vào đó, tại vì nó sẽ thay đổi. Vừa mới khen người nào đó rồi quay qua chửi người ta liền, tâm từ nó thay đổi, chuyện đó là bình thường, là quy luật của vũ trụ.
Năng lượng từ là năng lượng vũ trụ, mà chúng ta là một phần của vũ trụ cho nên nếu tu tập tâm từ thì chúng ta có thể đi chỗ này chỗ kia được, cảm hóa được các loài, tại vì nó có năng lực chung, năng lực bao gồm.
Hồi xưa người ta cho con voi uống rượu say rồi xúi nó lại húc Đức Phật, Đức Phật chỉ dùng tâm từ, Ngài đem tâm từ ra Ngài trải con voi quỳ xuống liền, nó không hãm hại được và trong kinh chép rất nhiều trường hợp các vị thánh tăng cũng vậy, khi gặp nguy hiểm con này con kia nó muốn giết chóc, các Ngài trải tâm từ ra và vì trải tâm từ ra nó trở lại hiền hòa, không còn hung dữ nữa. Cho nên chúng ta phải hiểu: tâm từ có năng lực bao gồm, biến kẻ thù thành bạn, mà biến kẻ thù thành bạn rồi ta không cần phải đề phòng nữa.
Thế thì tiến trình thành lập tâm từ như thế nào? Sư đưa ra bốn bước để quý vị suy tư.
Có bốn điều mà chúng ta nên nhớ trong đời sống hàng ngày khi chúng ta chuyển hóa từ cái tâm sân hận thành tâm từ.
Thứ nhất suy nghĩ với tâm từ, suy nghĩ trong năng lượng từ trước khi nói và hành động, luôn luôn phải nghĩ vậy, lạy Phật từ bi con xin suy nghĩ, cái sự suy nghĩ của con nằm ở trong cái tâm từ.
Thứ nhì nói với tâm từ trước khi hành động, trước khi muốn làm cái gì, muốn lấy roi đánh con mà la nó với cái tâm từ, trước khi nói nói với ai cũng vậy, nói với tâm từ.
Thứ ba hành động trong tâm từ trước khi hoàn tất tức là trong khi mình chưa có tâm từ nhưng mình sắp sửa mình làm thì mình phải đem hết tâm từ mình hành động với tâm từ cho tới khi hoàn tất cái công việc đó.
Thứ tư là nên tha thứ, xả bỏ sau khi hoàn tất chuyển hóa tâm từ, sau khi mình làm việc tâm từ đó rồi xả bỏ. Nếu người ta làm cái gì khó chịu mình mình tha thứ và nếu mình cảm thấy mình ngu dốt, mình đã lỡ phạm lỗi, mình cũng phải tập tha thứ cho mình, nếu mình không tha thứ cho mình nó bứt rứt và sẽ tiếp tục tái sanh vào cảnh khổ.
Hồi xưa vào thời Đức Phật thiếu gì những trường hợp các vị sư tăng cũng phạm giới rồi không sám hối kịp, Đức Phật dạy là phải sám hối, mà sám hối không kịp thì nó bứt rứt, mà không biết cách tha thứ cho mình cho nên bị đọa.
Ví dụ: Đức Phật nói chư tăng không được vô cớ nhổ cỏ. Có câu chuyện: có vị sư đang ngồi trên thuyền, cái thuyền nó trôi, ông giật mình ông lấy tay chụp lấy đám cỏ ở trên bờ, cỏ trên bờ có sình nên nó bứng luôn cái rễ và ông hối hận, ông nói con lỡ phạm, Phật cấm không được nhổ cỏ mà giờ con lỡ nhổ cỏ, mà ông chưa kiếm được vị sư nào khác để ông sám hối, tại nguyên tắc là phải đi kiếm vị sư khác sám hối, mà chưa kiếm được thì ông chết, vì ông bứt rứt, cái sân đó ở trong tâm mà ông bị đọa. Chỉ nhổ cỏ thôi đó, cho nên phải biết cách tu, những việc làm hàng ngày rất là nhỏ mà nhiều khi cái hậu quả rất lớn nếu ta không biết cách chuyển hóa cái tâm của chúng ta.
Ở trong các kinh sách nói rất nhiều về năm giai đoạn, mà riêng Thanh tịnh đạo nói tới sáu, nhưng mà đại khái như thế này.
Thứ nhất hãy hướng tâm từ về mình trước, thương từ đầu tới chân, mình đã sanh tử bao nhiêu kiếp rồi.
Thứ nhì hướng tâm từ về những người mà mình thương yêu: cha mẹ vợ con chồng,… những người mình thương yêu nhất, gần gũi với mình.
Thứ ba hướng tâm từ về những người trung tính tức là không có thương không có ghét: hàng xóm, mình không có thực sự quen biết người ta nhưng mà có biết gặp nhau chào hỏi vậy thôi, nay hướng tâm từ của mình về người đó, thương người đó, thấy họ ngu họ bị vợ họ đánh hoài, hàng xóm hồi xưa đến giờ mình mặc kệ, bây giờ mình thương họ tội nghiệp, cái nghiệp của họ kiếp trước không biết sao kiếp này bị vợ đánh hoài.
Thứ tư thương người mà mình ghét, hồi xưa tới giờ mình ghét người đó lắm, bây giờ mình phải chuyển cái tâm của mình, mình ngồi thiền mình nhớ tới cái mặt người đó mình phải thương người đó, tại sao tôi lại ghét? mắc mớ gì mà tôi ghét nó, mà ghét nó nó không biết đâu có ích lợi gì đâu mà trong khi tôi bị khổ, cái tâm tôi bị giày vò.
Giai đoạn thứ năm là tất cả những người từ bản thân của mình, người mình thương nhất, từ người mình ghét nhất, người trung tính hàng xóm tức là tất cả các lọai người mình đều thường, để vô một cái giỏ, mình thương hết. Nó từng giai đoạn, trước hết phải thương mình trước.
Khi quý vị ngồi thiền cái thân mình thẳng đứng, muốn nhắm mắt thì nhắm, muốn mở thì mở, không thành vấn đề, miễn cái lưng mình thẳng đứng, rồi tưởng tượng ra năm trường hợp trên, đầu tiên là quán chiếu từ đầu tới chân, thấy ở đầu nó ngứa ngáy rồi cái thân nó đau, bụng nó đau rồi mình rải tâm từ vào các cơ quan đó, tại vì người nào năm mươi kg là có năm tỷ tế bào cộng sinh, nay ta phải trải tâm từ vào bộ phận mà nó làm ta khổ.
Thí dụ như đau đầu gối, có người đau mụn nhọt ở lưng, có người bị đau bao tử thì nay bây giờ phải trải tâm từ thương các tế bào ở bao tử, nói thôi ta với nhà ngươi sống chung với nhau hòa bình đi đừng có chiến tranh đừng có gây hấn với ta, ta biết lỗi rồi ta ăn tầm bầy tầm bạ làm cho nhà ngươi khổ, bây giờ thôi tha cho ta đi, tức là trải tâm từ ra với nó, thương yêu nó. Các bộ phận ở trong con người, chỗ nào đau đớn, chỗ nào nhức đầu là phải thương nó sẽ giải quyết.
Ở bên Mỹ người ta đã làm nhiều thí nghiệm, bệnh ung thư cũng chỉ rải tâm từ thôi, làm cho cái ung thư đứng lại, nó không có phát triển và người ta đã thành công tới sáu bảy chục phần trăm, một trăm người thì có sáu chục người được thành tựu chỉ bằng cách tu tập tâm từ, rải tâm từ vào tế bào thay vì xạ trị.
Sư có một người đệ tử ở bên Singapore, bà này hai mươi năm trước bác sĩ nói bệnh ung thư, sống có sáu tháng nữa nhưng Sư sang Sư dạy sám hối, lạy Phật, ăn uống thay đổi, rải tâm từ, suốt ngày bà không có làm gì hết bà biết bà sắp chết bà không muốn làm gì bà chỉ lo tu, lo tu để chờ chết mà cho tới giờ hai mươi năm rồi vẫn còn sống. Bác sĩ nói sáu tháng chết mà bà không chết, và bệnh ung thư vẫn còn, nó không hết tại vì cái nghiệp của bà, nhưng nó không hại được tại vì bà thương nó làm sao nó hại. Bí mật là như vậy, khi ta thương tế bào ung thư, tế bào ung thư đâu có phản đối ta nữa, nó nằm im đó, tại vì nó là nghiệp của ta, chừng nào ta hết nghiệp ta giải được thì nó mới hết, còn ta chưa giải được nghiệp thì nó không quậy phá ta nữa tại vì ta giữ giới nghiêm trì, tu tập đang hoàng, rải tâm từ tới các tế bào, nó mát mẻ, nó đâu tới phá ta.
Đây là cách hành trì, quý vị ngồi lưng thẳng, rồi năm cái đối tượng. Quý vị ngồi thiền có nhớ tới người thân quý vị không? Mà không ai làm hết như vậy quý vị không có được lợi lạc. Quý vị chỉ nghe Pháp, ăn bánh vẽ thôi. Quý vị phải thực hành mới ăn bánh thật.
Quý vị thử đi, quý vị ngồi lưng thẳng, nhắm mắt lại, tưởng tượng ra từ đầu tới chân của mình, thấy rất rõ trên đầu cho tới ngón chân, tất cả chỗ nào đau đớn, đầu gối bao tử cuống họng hay là lưng, chỗ nào đau thì nhận biết. Nhưng mà đừng có giận nó, hồi xưa mỗi lần đau mình cảm thấy khó chịu, tức là tâm sân vi tế, bây giờ thương nó, nó là một phần của mình mà trải tâm từ ra thương nó và lặp lại như thế này “xin cho tôi được hạnh phúc, xin cho tôi được an toàn, nguyện cho tôi được mạnh khỏe, nguyện cho tôi được an vui” lúc nào cũng nhắc nhở như vậy.
Thực hành: Nhắm mắt lại, lưng thẳng lên, xem xét từ đầu đến chân. Chỗ nào đau đớn rải tâm từ ra, bên ngoài bên trong, bao tử, ruột gan, thận, chỗ nào đang đau thì rải tâm từ thương yêu nó giống như người mẹ thương đứa con duy nhất, nói thôi ta cùng sống chung với nhau, ta thương các ngươi, ta không có giận hờn gì hết, hãy tha thứ cho ta. Cái này oan khiên nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp mới đau mà, cho nên giờ rải tâm từ thương yêu các bộ phận trong cơ thể. Xin cho con được bình an, xin cho con được mạnh khỏe, xin cho con được cứng rắn, xin cho con được tâm bình, xin cho con từ bỏ sân hận,…từ đầu tới chân. Thở vào nhận biết hơi thở vào, thở ra nhận biết hơi thở ra. Xem xét từ đầu đến chân, chỗ nào đau… rải tâm từ vào chỗ đấy, đừng thấy khó chịu, hễ khó chịu thì thay đổi bằng thương yêu. Mình thấy nó đau mông hay đau đầu gối thì thương, lỗi tại ta, ta ngồi lâu làm các ngươi đau, nay ta sám hối, thương yêu đầu gối, thương yêu cái mông, thương yêu cái lưng. Chỗ nào đau thì thương yêu nó. Người nào bị bệnh thận xem xét ở trong cái thận, người nào bị bao tử gửi cái thương yêu vào trong bao tử. Sám hối, gửi thương yêu. Chú ý hơi thở, thở vào, thở ra đều nhận biết. Xin cho tôi được hạnh phúc, xin cho tôi được bình an, xin cho tôi được mạnh, cứng rắn, xin cho tôi được an toàn, xin cho tôi có lòng thương tưởng tất cả các phần ở trong cơ thể con người, từ đầu tới chân.
Chú ý vào hơi thở, thở ra thở vào, cẩn thận. Thương yêu tất cả bộ phận trong cơ thể, chỗ nào đau đớn…rải thương yêu như người mẹ thương yêu đứa con duy nhất. Chú ý vào hơi thở, quên hết mọi việc, chú ý vào hơi thở, thương cái thân này vì nó mà sanh tử luân hồi trong vô lượng kiếp. Hễ còn sân hận thì còn 4 đường ác đạo, xả bỏ hết. Xin tu tập tâm từ, nguyện cho tôi được hạnh phúc, nguyện cho tôi được cứng rắn, nguyện cho tôi được mạnh khỏe, nguyện cho tôi được bình an, nguyện cho tôi được khinh an thân tâm.
Nguyện cho tôi được an vui. Nguyện cho tôi được bình an, nguyện cho tôi được cứng rắn, nguyện cho tôi luôn luôn được thương yêu, không còn sân hận.
Sadhu sadhu. Chúng ta bắt đầu xả thiền qua phần khác.
Ở đây phương pháp thứ nhất là thương ta trước. Cái thứ nhì là đón nhận sự thương yêu, ví dụ của cha chồng vợ con, tức là khi ta nhắm mắt ngồi thiền ta cảm nhận được rằng đứa con nó đang thương mình và có cái tình thương nó đang chiếm hữu mình, đang gần với mình và mình có thể cảm giác được và mình thấy bình an, đối tượng nó đều có: hoặc cha hoặc mẹ hoặc chồng hoặc con,… tất cả những người đó thương mình và khi mình nhắm mắt ngồi thiền phải tưởng tượng là có cái người đấy đứa con đang đứng kế bên mình và nó rất là thương mình và cái năng lượng về thương yêu nó tràn sang mình, đó là cách tu tập phải cảm giác được cái đó.
Rồi sau khi ta cảm giác được ta mới bắt đầu chia sẻ tâm từ cho những người ta thương yêu như cha mẹ vợ chồng con cái, ta chia sẻ tình thương. Hồi nãy là mình đón nhận bây giờ mình chia sẻ cái tình thương đó mình nghĩ trong đầu thở ra thở vào cho nó khinh an xong rồi mới xin cho cha được bình an, xin cho cha được vui, xin cho cha không bị đau đớn, xin cho cha luôn luôn bình an, cứ nghĩ như vâỵ ở trong đầu thì cái năng lượng từ của mình với hình ảnh của cha sẽ truyền đạt, mà nếu năng lượng của mình mà đủ sức mạnh mà bệnh của ông cha không phải do nghiệp nặng thì sẽ hết, không cần thuốc men, còn bệnh của cha là bệnh của nghiệp nặng thì thua, Phật cũng chịu thua luôn.
Hồi xưa Phật đau, ngài Ca Diếp tới tụng bài Kinh Thất Bồ Đề Phần Phật hết đau, rồi ngài Ca Diếp bị bệnh Đức Phật cũng lại tụng bài kinh đó, Ngài hết đau, tức là trải tâm từ ra, nhưng mà cái bệnh này bệnh bình thường thôi chứ còn bệnh do nghiệp thì phải chịu thôi. Đức Phật nói túc nghiệp thì không thể nào chuyển được, phải chịu.
Sau khi chia sẻ sự thương yêu đối với người thân bây giờ tới bước thứ nhì là chia sẻ với người không thân. Đối với những người hàng xóm hay đối với những người nào bạn bè sơ sơ mình không quen, hồi xưa mình coi thường bây giờ mình trải tâm từ ra đối với họ. Tại sao vậy? đó là cái cách tu tập, tu tập để phát triển tâm từ, tu tập làm sao cho mình đối với tất cả chúng sanh đều có tâm từ và nên nhớ một điều: Phật dạy tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên mình trải tâm từ là trải thương yêu đối với thân nhân của mình nhiều đời nhiều kiếp.
Cái thứ ba này rất là khó là trải tâm từ chia sẻ tâm từ đối với tất cả các chúng sanh ở trong vũ trụ, cái này khó lắm, nó không tưởng tượng được đâu, ít nhất phải tu tập hai ba năm mới thuần thục, mới làm nổi, giỏi lắm thì cũng là một năm, tức là lúc nào cũng trong cái nguyện lạy Phật từ bi con xin chia sẻ tất cả những gì con có cho tất cả chúng sanh từ con kiến con gián đều được an vui hạnh phúc, không bị đau đớn và cái điều quan trọng là bất cứ việc gì làm đều phải chú ý vào hơi thở, khi mình đang trải tâm từ cũng phải chú ý vào hơi thở, thở vào thở ra cũng phải chú ý vào hơi thở, chú ý trạng thái của tâm, mình nói mình chia sẻ nhưng mà cái tâm mình có sân không, ngồi đau quá nó sân thì làm sao có từ mà chia, sân vi tế lắm, mình chia cái sân chứ đâu có chia từ cho nên Sư mới nói là phải thương cái thân mình trước, thân này nó đã trôi nổi trong ba cõi sáu đường làm chó, làm mèo bao nhiêu kiếp rồi, bây giờ phải thương nó, rồi mới thương người khác được, thương mình rồi mới thương người khác được.
Khi mà chúng ta ngồi thiền cái tâm ưa lăng xăng, dẫu là ngồi thìền tâm từ cái tâm nó cũng lăng xăng nhưng đừng có lo, nhận biết nó lăng xăng, đừng có sân hận đừng có buồn phiền, kệ nó, biết nó lăng xăng rồi kéo nó về, giống như con nó ngỗ nghịch phải dạy nó từ từ lại thôi, lúc nào cũng trải tâm từ ra toàn thân, đi đứng nằm ngồi đều phải chú ý, thương cái thân mình, ăn vừa vừa thôi, ngủ vừa vừa thôi, uống vừa vừa thôi, nói vừa vừa thôi, nói với tâm từ, nghĩ với tâm từ trước khi nói, rồi nói với tâm từ trước khi làm, làm với tâm từ để cho đối tượng được an vui, đó là cách mình tu tập, cứ làm như vậy thì thiện pháp sẽ tăng trưởng.
PHẦN 3:
Hồi xưa, hồi thời Đức Phật, thành Vesali bị bệnh dịch chết cả ngàn người một ngày, chết mà chôn không kịp, nó thúi ra rồi lây bệnh dịch cho các nơi. Thế thì ngài A Nan mới thấy tội nghiệp chạy lại lạy Đức Phật nói lạy Đức Thế Tôn xin ngài từ bi chỉ cho con cách nào cứu cái thành đó, Đức Phật nói nếu ông thật sự muốn cứu dân chúng ở đó thì ông phải đi vòng quanh thành bảy ngày bảy đêm, chân đất đầu trần và tụng bài kinh Châu Báu, tụng bài kinh này thì ở trong đó hết dịch.
Nguyên do dân chúng trong đó tham, chặt phá cây cối để buôn bán có tiền, rồi bít cống rãnh cho nên bệnh, chặt cây cối thì ma quỷ đang ở trên cây cối được mát bây giờ nó không có chỗ ngự nó xuống phá người ta, nó xúi người ta ăn tầm bậy để rồi bệnh rồi chết ngày cả ngàn người, hôi thối chôn không kịp.
Đức Phật dạy cho ngài A Nan, ngài A Nan mới tụng bài kinh này, sau đó thì nó hết dịch. Tại vì Ngài trải tâm từ làm cho các con ma ở trong đó nó đang nóng nảy, nó bị chặt cây không có chỗ ngủ nó sân hận, mà bây giờ Ngài đi tới Ngài trải tâm từ thì các con ma được mát mẻ, nó mát mẻ rồi đâu còn sân hận, đâu có muốn phá ai nữa, con người hay là ma quỷ nó phá là tại vì nó bị sân hận mà nếu ta trải tâm từ, quý vị mà tu tập tâm từ, có những vị bên Mỹ tu tập tâm từ họ nói cho Sư biết, bà bảy mươi tuổi mới tu mà tu đâu ba bốn năm thôi, mấy người bệnh xung quanh thích đứng gần để cho hết bệnh, người bị bệnh ngứa ngáy cứ lại kiếm bà ngồi gần tự nhiên hết ngứa, về nhà lại bệnh mà ở gần bà thì bệnh lại dễ chịu.
Tụng bài kinh này, trước hết niệm Phật Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Phật Nam Mô Pháp Nam Mô Tăng tụng ba lần xong rồi
- Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không
Mong rằng mọi sanh linh,
Ðược đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này
- Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Ðối với mọi loài, người.
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.
- Phàm có tài sản gì,
Ðời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai, Thiện Thệ
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Ðoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu,
Phật Thích Ca Mâu-Ni,
Chứng pháp ấy trong thiền.
Không gì sánh bằng được,
Với pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Phật Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thiền định trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy,
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Tám vị bốn đôi này,
Ðược bậc thiện tán thán,
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Ðược kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gotama!.
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Như vậy cột trụ đá,
Khéo y tựa lòng đất,
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động,
Ta nói bậc chơn nhân,
Giống như ví dụ này.
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu,
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không tự chế,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy, có ba pháp,
Ðược hoàn toàn từ bỏ.
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không;
Ðối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát;
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Dầu vị ấy có làm
Ðiều ác gì đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể
Che đậy việc làm ấy,
Vị ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Ðẹp là những cây rừng
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng ba nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Ðược ví dụ như vậy,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng.
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Cao thượng, biết cao thượng,
Cho, đem lại cao thượng,
Bậc vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng.
Như vậy, nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai.
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng,
Bậc trí chứng Niết-bàn,
Ví như ngọn đèn này.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
- Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ đức Phật,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
- Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
- Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ chúng Tăng
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
Tức là nguyên bài này nếu cứ tụng liên tục mười lần hai chục lần ba chục lần, rất là tốt, nhất là khi quý vị đi kinh hành, ngoài vấn đề ngồi thiền còn đi thiền, quý vị đi vòng vòng chung quanh nhà mà tụng bài này ở trong nhà được mát mẻ, côn trùng được mát mẻ và quý vị sẽ ngạc nhiên nhiều khi gián chuột đi đâu mất tiêu và người trong nhà được mát mẻ bệnh hoạn không có, trẻ em được an vui. Nhưng mà muốn tụng bài kinh này có ích lợi thì mình phải có tâm từ, muốn có tâm từ, trước hết mình phải tu tập thương mình, giữ giới và làm các thiện sự.
Quý vị cố gắng thực hành, người nào đau chân không ngồi được thì đi kinh hành, tập trung, thở vào thở ra, nhận biết và tụng bài kinh này. Đi vòng quanh nhà thì trong nhà đều được lợi lạc: bệnh hoạn cũng bớt, ma quỷ cũng chạy đi xa. Nhất là lúc này quý vị đừng có nói Covid 19 là vi khuẩn, không có, nó là cái nghiệp hết đó. Tại sao có người bị có người không bị, đâu phải người nào cũng bị covid 19 đâu. Rồi không phải người nào bị cũng chết, có nhiều người bị xong không có sao, có người bệnh chút xíu là chết. Nó đều có cái nghiệp của nó tới cái lúc, cho nên chúng ta phải hiểu cái lý ở đời, không phải tự nhiên Phật nói các pháp không phải tự nhiên mà nó sanh, nó đều có nhân duyên, vạn pháp do duyên sanh, mình thấy covid 19 mình sợ nhưng mà mình quên một điều là tiền kiếp đã gây ân oán với nhau cho nên nó đi nó tìm thôi.
Quan trọng là phải thực hành, không thực hành thì chẳng có lợi lạc gì, chỉ là ăn bánh vẽ thôi. Trong mùa Vu Lan báo hiếu mà tụng bài kinh này và rải tâm từ, hồi hướng (quan trọng là hồi hướng) cho cha mẹ ông bà những người thân đã mất…thì các vị đó được rất nhiều lợi lạc. Quý vị cố gắng không ngồi thiền được thì đi thiền vòng quanh nhà tụng bài này, chú ý đi nhẹ nhàng, chậm rãi, coi chừng đạp côn trùng kiến, gián, tội nghiệp chúng, rải tâm từ ra thì quý vị sẽ được rất nhiều lợi lạc, kể cả trong nhà có người đang bệnh thì cũng bớt bệnh, ma quỷ xung quanh cũng được an vui, không quấy phá.
Trước khi kết thúc, Sư nhắc quý vị một điều quan trọng:
Quý vị phải có tâm niệm tu tập theo giáo Pháp của Đức Phật để làm gì? mục đích là gì? phải hiểu rõ và phải luôn luôn nhớ. Tu tập theo đạo Phật không phải là để được thêm. Đạo Phật không phải là để giải quyết chuyện nhức đầu hay đau bụng. Đạo Phật là để giải quyết vấn đề sanh tử luân hồi, không còn tái sanh đau khổ trong cảnh giới này nữa. Đó là mục đích của đạo Phật. Sống an vui mà chết không còn tái sanh đau khổ nữa. Đó là mục đích của đạo Phật. Chứ không phải đạo Phật là lạy để xin cái này xin cái kia, không phải.
Mà nếu quý vị không tu tập đàng hoàng quý vị sẽ thấy có cái gì lạ lạ thì quý vị nhảy tới nói có ông này chữa bệnh hay lắm nhảy tới. Đó là cái tâm lăn xăng, mà tâm lăn xăng là mở cửa địa ngục, không ích lợi gì hết đó. Ổng có chữa bệnh giỏi đi chăng nữa thì quý vị vẫn chết và vẫn sanh tử luân hồi.
Nếu không tu tập Bát chánh đạo thì chưa chắc kiếp sau được làm người. Mà không làm người, làm chó, làm mèo thì chữa bệnh để làm gì? Phải không quý vị? Cho nên tu tập ta phải thấy mục đích và đạt mục đích.
Sư thấy có nhiều người lạ lắm, nghe nói ở đâu có chữa bệnh là mau mau chạy tới chữa bệnh, mà quên mục đích chính của mình đi tu là chữa bệnh sanh tử luân hồi. Chữa bệnh tham, bệnh sân, bệnh si chứ đâu phải chữa bệnh đau lưng, đau đầu gối hay là đau bụng. Nghiệp của mình ăn nhiều thì đau bụng thôi. Bớt ăn, bớt ngủ, Đức Phật nói thiểu dục tri túc thì nó bớt bệnh. Đằng này cứ nghe chỗ này, chỗ kia rồi chạy đi khám bệnh. Đi khám bệnh thì đi nhưng cái tâm lăn xăng là hư hết. Cái tâm lăn xăng là dính mắc, cái tâm lăn xăng là cái tâm phóng giật. Phóng giật là mở cửa địa ngục. Cho nên quý vị làm là phải thận trọng. Còn nếu không thì quý vị sẽ bị phạm, mà lại không ích lợi gì trong việc tu học.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Quý đạo hữu có thể tham Khảo: Kệ tụng hằng ngày tại đây